Mua bán trẻ em có thể bị tù chung thân

ANTĐ - Sau vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, một số bạn đọc đã gọi điện đến Báo ANTĐ hỏi: Thời gian qua xảy ra nhiều vụ mua bán trẻ em dưới vỏ bọc xin con nuôi, vậy hành vi nào là xin con nuôi hợp pháp, còn hành vi nào sẽ bị coi là mua bán? Để làm rõ vấn đề dưới khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Nghiêm cấm lợi dụng nuôi con nuôi để trục lợi

Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; Nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; Nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. Trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Người đồng ý cho làm con nuôi phải được UBND cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi, quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. 

Theo Luật sư Nguyễn Chiến, sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Bên cạnh đó, cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên (trừ trường hợp đặc biệt); Có tư cách đạo đức tốt; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi… 

Người xin nhận con nuôi phải nộp hồ sơ tại UBND phường (xã, thị trấn) nơi họ cư trú hoặc nơi người được nhận nuôi cư trú. Xét thấy người nhận nuôi và người được nhận nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch. Luật Nuôi con nuôi cũng nghiêm cấm việc lợi dụng nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; Bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi…

Về các cơ sở được phép nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, theo Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, mặc dù các tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia công tác nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi) song phải theo quy định của pháp luật. Với các cơ sở nuôi dưỡng từ 10 trường hợp trở lên phải lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp chùa Bồ Đề do chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội nên không được phép nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi. 

Tăng nặng hình phạt khi trẻ ốm, chết

 Luật sư Nguyễn Chiến phân tích, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2013/TANDTC-

VKSNDTC-BCA-BQP-BTP thì mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa. Cụ thể là một trong các hành vi: Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán; Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Hậu quả của các hành vi trên là đứa trẻ bị đem ra mua bán, thoát ra khỏi sự quản lý của bố mẹ, gia đình.

Có thể thấy, đây là loại tội phạm thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, tội phạm này đã có những hành vi xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em, thậm chí đã xâm phạm đến quyền con người của trẻ em. 

Điều 120 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” quy định hai khung hình phạt. Khung 1 với cấu thành cơ bản quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười năm, áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết định khung tăng nặng. Khung 2: Cấu thành tăng nặng quy định hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức (vụ án có từ hai người trở lên, khi thực hiện hành vi phạm tội có sự phân công vai trò, trách nhiệm của từng người và có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội); Có tính chất chuyên nghiệp (người phạm tội có nguồn thu nhập, sống chủ yếu dựa vào hoạt động phạm tội); Đối với nhiều trẻ em: Từ 2 trẻ em trở lên trong một lần phạm tội; Gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho trẻ em bị ốm đau, bệnh tật, tâm thần rối loạn; bị hành hạ, ngược đãi, không trông nom, chăm sóc nên ốm và chết…