“Mụ người” vì vàng

ANTĐ - “Nếu Ấn Độ hắt hơi, ngành công nghiệp vàng cả thế giới sẽ bị cảm lạnh”, một thành viên của Hội đồng vàng thế giới khẳng định. Ngoài việc là một biểu tượng cho sự giàu có và địa vị xã hội, vàng còn là tín ngưỡng, văn hóa của người dân Ấn Độ. Tất cả điều đó đã làm cho Ấn Độ trở thành nơi tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Mùa cưới ở Ấn Độ có thể gây “sốt giá” trên thị trường thế giới 

Không vàng, không cưới

20 năm gần đây, Ấn Độ nổi lên như một trong những nền kinh tế phát triển mạnh như vũ bão. Kết quả là, Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Ở đất nước này, không tài sản nào giá trị hơn vàng. Giấc mơ của người dân Ấn Độ là sở hữu vàng, đó là biểu hiện sự giàu có, ổn định tài chính, đồng thời là thời trang. 

Khi đời sống khấm khá hơn, nhu cầu lớn nhất về vàng chính là đám cưới. Có lẽ không đâu lại tổ chức cưới linh đình như ở Ấn Độ. Thử tưởng tượng, trong khoảng 10 triệu đám cưới mỗi năm, mỗi đám cưới của một gia đình trung lưu Ấn Độ thường có lều bạt được dựng trong 5 ngày, xung quanh là đài phun nước hoành tráng. Cùng với nhạc sĩ bay đến từ Mumbai, phần ánh sáng, âm thanh và video được dàn dựng như một bộ phim  Bollywood, chưa kể nhà bếp, đội ngũ nhân viên chuẩn bị đủ thực phẩm để phục vụ hơn 7.000 người tới dự tiệc cưới. Riêng số tiền mà gia đình 2 bên dùng để mua sắm vàng cho đám cưới đã lên đến 200.000 USD. Cô dâu, chú rể đã sẵn sàng, địa điểm, thực phẩm đã chuẩn bị xong xuôi, nhưng nếu không có vàng, sẽ không có đám cưới. 

Đám cưới ở Ấn Độ khiến người ta choáng ngợp vì vàng. Không chỉ vàng mà gia chủ thể hiện, khách mời đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ cũng không ngần ngại trưng ra những bộ trang sức vàng đẹp nhất. Vàng là biểu hiện sự giàu có và địa vị của gia đình trong xã hội, quan niệm đó đã ăn sâu vào tâm trí của người dân.

Từ khi mới sinh ra, con gái Ấn Độ đã được bố mẹ mua vàng trang sức nhằm đảm bảo về tài chính sau khi lấy chồng. Với 3/4 số cuộc hôn nhân của Ấn Độ là do sắp xếp, vàng mà cô dâu đeo trên người khi bước vào nhà chồng cũng có thể mang một thông điệp, giống như sự khẳng định về mặt kinh tế trong gia đình mới. Chính vì vậy mới có chuyện phụ nữ Ấn Độ phải có hồi môn mới hy vọng kiếm được một tấm chồng và nhiều gia đình có con gái rất vất vả vì phải lo sắm vàng cho cô dâu. Mặc dù tục lệ phải có của hồi môn bị cấm từ năm 1961 nhưng theo truyền thống, khi cho con gái đi lấy chồng, nhà gái vẫn phải gửi gắm lễ vật cho nhà trai.

Có một điều rất đặc biệt ở Ấn Độ là người ta thích mua vàng nhưng lại ghét bán nó, nhất là trang sức cô dâu. Phụ nữ Ấn Độ dường như không bao giờ nghĩ đến việc bán vàng bởi điều đó giống như đánh mất một phần của cuộc đời họ.

Phần tất yếu của cuộc sống

“Vàng là một phần của cuộc sống. Một gia đình không có vàng là không hoàn thiện. Tại Ấn Độ, vàng được coi là danh dự. Và càng có nhiều vàng, người ta càng được xếp cao trên bậc thang xã hội”, ông Ajay Mitra – Giám đốc điều hành của Hội đồng vàng thế giới phụ trách khu vực Ấn Độ và Trung Đông nói. Sự sùng bái đối với vàng của người Ấn Độ có thể cảm nhận bằng cảm xúc đến không gian, từ các cửa hàng cao cấp tại thành phố lớn đến các cửa hàng đồ trang sức mạ vàng ở các làng nghèo nhất. Vì thế, ngày nay Ấn Độ giữ vị trí số 1 thế giới trong tiêu thụ đồ trang sức vàng cũng như vàng miếng và tiền xu.

 Trong những năm gần đây, nhu cầu vàng của Ấn Độ chiếm 32% của thị trường vàng thế giới, gấp 4 lần so với nhu cầu của khu vực Bắc Mỹ. Hầu hết số vàng tại Ấn Độ là do nhập khẩu, bởi các mỏ vàng ở nước này chỉ sản xuất được chưa đầy 1% nguồn cung cho thế giới. Và sự tăng giá của vàng trong thập kỷ qua khiến người dân Ấn Độ đổ xô đi mua nhiều hơn trước khi giá cả còn tăng cao.

80% người Ấn Độ theo đạo Hindu, và một trong những vị thần biểu tượng cho sự tinh khiết và vĩnh cửu được họ tôn thờ là nữ thần Lakshmi. Vào mùa thu, nhất là trùng vào mùa cưới (tháng 11), người Hindu ở Ấn Độ có một ngày lễ đi mua sắm vàng. Người ta quan niệm, hôm đó nếu bạn mua vàng, nó sẽ mang đến cho bạn sự thịnh vượng, may mắn, sức khỏe, sự giàu có, tất cả mọi thứ. Đơn giản là đúng ngày lễ này, nữ thần Lakshmi sẽ đến thăm ngôi nhà của bạn. Còn nếu mua một ngày trước hoặc sau đó đều không có ý nghĩa.

Người dân Ấn Độ nghèo đến mấy cũng cố mua được ít vàng. Như chị Beela Babu ở Mumbai, mỗi tuần, chị lại để dành một phần tiền kiếm được một cách vất vả - chừng 5 USD để mua vàng. Trong khi giá 1 gram vàng khoảng 60 USD, phải mất nhiều tháng mới tích góp đủ. Nhưng dù khó khăn, Beela Babu cảm thấy tự mình kiếm được, điều đó làm chị hạnh phúc. Ấn Độ có gần 400 triệu người được xếp vào tầng lớp nghèo nhất của những người nghèo, nhưng tiết kiệm để mua vàng là mục tiêu của hầu hết trong số họ.

Theo thống kê, các gia đình ở Ấn Độ tiết kiệm khoảng 30% thu nhập của họ, so với con số khoảng 5% ở các gia đình Mỹ. Thu nhập tăng cùng với ý thức tiết kiệm cho phép người Ấn Độ mua vàng nhiều hơn. Nhiều người có thể đặt câu hỏi, căn cơ như vậy nhưng tại sao người Ấn Độ sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đôla để mua vàng? Bởi trong tâm trí họ, đó không phải là sự lãng phí mà là một khoản đầu tư.