Mù chữ vẫn lên… lớp 7

ANTĐ - Một số tờ báo vừa thông tin việc một học sinh đang học lớp 7A5 của Trường THCS Đống Đa (TP Quy Nhơn), không đọc, viết được gì ngoài việc “thuộc lòng” cách viết tên mình và tên cha. Học sinh này khẳng định: “Em không biết cách đánh vần, đọc chữ từ năm lớp 1!”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng còn cho biết, các bạn cùng lớp và thầy, cô giáo đều biết chuyện học sinh này mù chữ “toàn tập” nhưng cố tình lờ đi và em vẫn lên lớp đều đều!

Tình trạng ngồi nhầm lớp, thậm chí nhầm cấp đã được nêu nhiều lần. Song người ta chỉ có thể thông cảm với các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, miền núi hay vùng kinh tế - xã hội quá khó khăn. Đằng này, đây lại là một lớp học ở TP Quy Nhơn. Nhiều bạn đọc tỏ ra ngạc nhiên, một số lại không hề bất ngờ. Họ cho rằng: “Đó là hệ quả tất yếu của nền giáo dục nước ta hiện nay - bệnh thành tích”. Số đông tỏ ra ngán ngẩm: “Năm nào dự tổng kết ở hầu hết các trường đều có kết quả học tập xuất sắc, khá giỏi đạt tỷ lệ rất cao, không có hoặc rất ít học sinh yếu kém, nghe mà phát ốm!”.

Không biết bệnh thành tích trong ngành giáo dục có từ bao giờ? Người viết từng học phổ thông hơn 20 năm trước cũng có một bạn học (lớp 8) có điểm môn Toán lúc nào cũng 8-9-10 nhưng trong một lần được cô gọi lên bảng trả bài đã không làm được phép toán cộng trừ đơn giản vốn được học từ tiểu học. Bạn này sau đó vẫn học hết cấp III và “thi” đỗ vào một trường đại học dân lập! Tất nhiên, thành tích đó đều nhờ… các bạn ngồi cạnh. Đáng tiếc, hơn 20 năm sau, bệnh thành tích không giảm đi mà có phần nặng thêm.

Chất vấn tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cũng đưa bệnh thành tích ra mổ xẻ. Ở bậc đại học, có ĐBQH nêu, “số sinh viên ra trường với bằng giỏi, khá chiếm tỷ lệ rất cao, nhưng thực tế, chất lượng sinh viên ngày càng thấp. Nhiều trường đang cung cấp hàng nhái, hàng giả cho xã hội!”. Ở bậc THPT, ĐBQH cũng băn khoăn: “Năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là 66,7%, nhiều trường có tỷ lệ dưới 30%. Thế mà, đến năm 2011, tỷ lệ tốt nghiệp vọt lên 95,72%, có hàng trăm trường tốt nghiệp 100%...”. Những ví dụ minh họa như thế làm người ta ngao ngán với “căn bệnh” “thành tích năm sau luôn phải cao hơn năm trước”. Vậy nên, cũng đừng giật mình khi nghe những chuyện khó tin nhưng có thật, kiểu “mù chữ vẫn học lên lớp 7” ở TP Quy Nhơn kể trên.

Tin cùng chuyên mục