Mourinho trở thành HLV của M.U: Có còn những giấc mơ trong nhà hát?

ANTĐ - Jose Mourinho sắp trở thành HLV trưởng của Manchester United, nhưng không phải CĐV nào của Quỷ đỏ cũng coi đó là một tin tốt lành.

Mourinho trở thành HLV của M.U: Có còn những giấc mơ trong nhà hát? ảnh 1Rất nhiều nghi ngờ dành cho Mourinho khi ông đến M.U

Nhàm chán và thực dụng

Sau những ngày giải quyết các vấn đề rắc rối trong hợp đồng, cuối cùng Mourinho cũng xác nhận sẽ đến M.U. Ước nguyện trước khi giải nghệ của Sir Alex Ferguson, sau 3 năm, đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, không nhiều người thật sự cảm thấy lạc quan trước viễn cảnh này, bởi có quá nhiều những “cái hố” vô hình ở Old Trafford có thể khiến chiến lược gia người Bồ Đào Nha sa chân. Đầu tiên, là quan điểm về bóng đá. Trong 27 năm dưới triều đại Fergie (1986-2013), M.U chỉ tôn thờ bóng đá đẹp. Cái đẹp là sức sống, là linh hồn tạo nên một đội bóng làm say lòng người hâm mộ. Đó cũng là lý do mà trong giai đoạn này, M.U là CLB có lượng CĐV đông nhất trên toàn thế giới. 

Nhưng triết lý của Mourinho thì hoàn toàn ngược lại. Với ông, kết quả mới là quan trọng, hơn tất thảy mọi thứ. Từ Chelsea, đến Inter Milan rồi Real Madrid, một đội bóng cũng tôn thờ lối chơi đẹp, quan điểm đó không hề thay đổi. Mourinho từng mỉa mai “đại kình địch” Wenger của Arsenal rằng, một đội bóng chơi đẹp mà không có thành tích, là một đội bóng vứt đi! Thế nên, các CĐV Quỷ đỏ khó mà trông chờ vào việc “Người đặc biệt” thay đổi triết lý của mình. M.U dưới tay Mourinho rồi sẽ đá như Chelsea, như Inter, lấy phòng ngự làm điểm tựa. Và khi Quỷ đỏ không còn là mình mà biến thành một “Xe buýt đỏ” nhàm chán và thực dụng, một cái kết như cách mà Mourinho từng bị sa thải ở Real là rất dễ xảy ra. Và hãy nhớ, cả David Moyes và Van Gaal đã phải cay đắng xách vali rời đi cũng bởi sự nhàm chán gieo xuống thảm cỏ Old Trafford.

Đã có khoảng 300 triệu bảng được M.U đầu tư cho việc tăng cường lực lượng kể từ khi Sir Alex về hưu, nhưng Quỷ đỏ chưa bao giờ trở lại đúng đẳng cấp của mình. Với một HLV quen tiêu tiền như Mourinho, chắc chắn con số ấy sẽ còn tăng lên nhanh chóng. Sẽ có thêm vài siêu sao đặt chân tới Old Trafford để phục vụ cho chiến thuật của ông và lúc ấy, người ta lại toát mồ hôi lo lắng cho các cầu thủ trẻ. Tương lai của những Jesse Lingard, Andreas Pereira, Patrick McNair hay nhất là Marcus Rashford sẽ ra sao, khi Mourinho xuất hiện?

Trong quá khứ, “Người đặc biệt” hiếm khi đặt niềm tin vào lứa trẻ và việc cho mượn tới 33 cầu thủ của Chelsea ở mùa giải năm ngoái là minh chứng sống động nhất. Quá nửa trong số ấy là những tài năng dưới 23 tuổi được nhiều CLB thèm muốn, nhưng Chelsea vẫn phải đẩy đi, vì đơn giản là không có đất dành cho họ. Những ngôi sao lớn, đã thành danh luôn đáng tin cậy hơn để phục vụ cho phong cách thực dụng của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Lứa của Rashford lúc này đang khiến người ta liên tưởng về “thế hệ 1992” của M.U, nhưng sự hiện diện của Mourinho có thể sẽ đập tan hy vọng tái lập “thế hệ vàng” ấy. Quay lưng với các cầu thủ trẻ tài năng, đồng nghĩa với việc có thể Mourinho sẽ bị các CĐV la ó phản đối. Và ở một đội bóng như M.U, khi không được lòng CĐV, khả năng phải ra đi rất lớn. 

Đã khép lại chu kỳ thành công

Yếu tố cuối cùng có thể khiến Mourinho “sa hố” ở M.U, đó chính là khái niệm về chu kỳ thành công của một HLV. Với những gì gặt hái được từ Porto cho tới Chelsea, Inter và Real trong hơn 10 năm qua, Mourinho được coi là một trong những HLV vĩ đại nhất mọi thời đại, ngang hàng với Marcello Lippi, Louis Van Gaal, Fabio Capello hay Arrigo Sacchi.

8 danh hiệu VĐQG và 2 lần vô địch Champions League là quá đủ để xếp Mourinho vào ngôi đền của những huyền thoại. Chỉ có điều, đó cũng là những con số để người ta nghi ngờ về sự thành công tiếp theo của ông.

Thực tế đã chứng minh những HLV tốt nhất ở châu Âu và trên thế giới thường chỉ kéo dài chu kỳ thành công của mình trong khoảng trên dưới 10 năm. Cũng có những trường hợp ngoại lệ, như Sir Alex chẳng hạn, nhưng là do HLV Ferguson gắn bó quá lâu và quá hiểu M.U. Van Gaal ngày xưa oai hùng cùng Barca và Bayern là thế, giờ phải rời Old Trafford sau tiếng thở phào nhẹ nhõm của các CĐV. Marcelo Lippi giúp Italia vô địch World Cup 2006, nhưng đấy là đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp huấn luyện của ông (5 chức VĐQG, 1 lần vô địch và 3 lần vào chung kết Champions League trong giai đoạn 1995-2003).

Lần thứ hai Lippi dẫn dắt đội tuyển Italia là một thảm họa. Sau đó, ông sang tận Trung Quốc để cầm quân và lặng lẽ giải nghệ. Trường hợp của Fabio Capello cũng là một minh chứng, khi ông chỉ gây tiếng vang trong giai đoạn 1992 đến 2001. Thời điểm dẫn dắt ĐT Anh và ĐT Nga là lúc mà Capello đã không còn thăng hoa được nữa. Đã từng có cảnh báo về chu kỳ thành công của Capello đã khép lại dành cho LĐBĐ Nga, nhưng họ vẫn chi đậm tiền để đưa ông về, để rồi hối hận thì đã muộn.

Sau chức vô địch với Chelsea vào tháng 5-2015, Mourinho đầy cẩn trọng nói: “Rồi thất bại một ngày nào đó sẽ đến với tôi. Không ai có thể thành công mãi. Dù thế nào tôi cũng phải chấp nhận những kết quả ấy”. Những câu nói như lời tiên tri nghiệt ngã, khi nó xảy ra ngay vào tháng 12, sau chuỗi thành tích bết bát của đội bóng chủ sân Stamford Bridge. Và bây giờ, có bao nhiêu người thực sự lạc quan vào tương lai của M.U, khi Mourinho đến để viết tiếp những giấc mơ trong nhà hát?