Một thời từng có phố "Mộc tồn"

ANTD.VN - Bắt đầu từ lối nói lái dân dã của người Việt ở cả ba miền. Lối nói này chủ yếu mua vui trong dân gian mà chưa bao giờ len lỏi được vào chốn đèn sách. Đại khái Trạng Quỳnh thết Chúa Trịnh món “mầm đá” nhưng vin cớ phải nấu nướng rất lâu nên để Chúa đói mềm, quá Ngọ mới cho bưng mâm vào. 

Thấy mâm cơm chỉ có món rau muống luộc, Quỳnh gọi là “Mầm đá” kèm theo một chiếc lọ đề hai chữ “Đại phong”, Chúa đã toan trách phạt. Nhưng vì đói quá cho nên cần phải ăn trước đã. Quả nhiên rau muống luộc chấm với thứ nước “Đại phong” ngon không kể xiết. Ăn xong, Chúa quên hẳn việc trách phạt, chỉ hỏi thứ nước chấm “Đại phong” là cái gì. Quỳnh thủng thẳng giải thích: “Đại phong” là gió lớn, gió lớn thì chùa đổ, chùa đổ thì tượng lo, tượng lo là lọ tương!

Cũng tương tự như vậy khi dân gian nói “Mộc tồn”. “Mộc” là “cây”. “Tồn” là “còn” theo Hán tự. “Cây còn” là con cầy. Tất nhiên đây là thứ Hán Nôm lắt léo hài hước mà thôi. Nhưng ai cũng hiểu khi nói “Mộc tồn” là nói đến món thịt chó mà không thể hiểu khác.

Một thời từng có phố "Mộc tồn" ảnh 1Nhà cao tầng san sát thế chỗ hoàn toàn dãy hàng thịt chó ngày xưa trên đường Âu Cơ

Hà Nội không phải là mảnh đất nổi tiếng về món ẩm thực này. Người ta dễ dàng công nhận thịt chó Việt Trì, thịt chó Thái Bình, thịt chó Vân Đình, thịt chó Tiên Lãng… là những món ngon nổi tiếng. Chưa thấy ai ca ngợi thịt chó Hà Nội. Nhiều hàng thịt chó Hà Nội trước đây có gốc gác ở những địa phương nổi tiếng đều ghi kèm theo trên biển hiệu của mình dòng chữ Việt Trì, Vân Đình...

Những năm mới tiếp quản 1954, Hà Nội chỉ có vài hàng thịt chó có thể đếm trên đầu ngón tay. Nổi tiếng nhất là thịt chó ở Cống chéo Hàng Lược đầu chợ hoa Tết bây giờ. Thêm vài quán nữa ở phố Hàng Phèn, ngõ Hàng Hương, dốc Hàng Than, phố Hàng Bột, Ô Chợ Dừa, vườn hoa Yersin…

Trước đó người ở phố học theo lối sống văn minh của phương Tây, cụ thể là người Pháp khi họ đô hộ xứ Đông Dương, nhiều người không biết ăn hoặc có ăn trước kia nhưng sau cũng bỏ dần để chứng tỏ là người văn minh. Chủ yếu người ăn là thành phần lao động đầu tắt mặt tối hoặc vài nghệ sĩ thất thời nghèo khó. Hình như đã ăn đến thịt chó thì cũng ít người muốn khoe khoang bởi nó cũng chính là nói lên thân phận nghèo hèn của mình.

Trải qua những năm dài chiến tranh, bao cấp cho đến tận đầu thập kỷ 1980, phong trào ăn thịt chó mới bùng phát ở Hà Nội. Lúc này tình hình thực phẩm đã khan hiếm đến mức cực điểm. Tem phiếu mua thịt cho mỗi người chỉ được trung bình 3 lạng một tháng. Cũng tháng có tháng không. Nhà hàng thịt chó mở ra phần nào bù đắp được những thiếu hụt ấy.

Quãng đầu những năm 1990 có đến hơn 50 hàng thịt chó mở suốt dọc ngoài đê sông Hồng phía Nhật Tân, Quảng Bá. Những cái tên quán Anh Tú, Anh Tú Béo, Anh Trang, Trần Mục… hằn sâu trong ý nghĩ dân uống rượu. Khi rủ nhau đi uống rượu thịt chó chỉ cần nói “lên thăm anh Tú béo” là ai cũng hiểu. Nhật Tân được người Hà Nội phong cho tên gọi là “Đại công trường thịt chó”.

Hàng thịt chó Nhật Tân là dãy nhà sàn lát ván gỗ rộng thênh thang bên ngoài đê sông Hồng. Cây cối hoang vu và ngào ngạt gió sông. Có thể nói thú vui ẩm thực ở đây được chăm sóc toàn diện như mong muốn của thị dân chật chội phố phường. Phòng ăn mênh mông trải chiếu nhìn qua vách lửng thưng bốn bề phên liếp. Có thể thấy dòng sông mờ nhạt phía xa. Có thể nghe tiếng sóng cồn cào và gió miên man luồn lách qua tàng cây kẽ lá, bỏ lại đằng sau tất thảy những ầm ĩ bon chen phố. 

Từ khoảng đầu những năm 2000, hàng thịt chó Nhật Tân bước vào giai đoạn thoái trào. Vài hàng nhỏ ế ẩm đóng cửa. Những thương hiệu lớn lần lượt đóng cửa theo. Người Hà Nội xôn xao về những tin đồn mang màu sắc dị đoan. Chó báo oán...

Thực hư không thể minh định. Nhưng có một cách giải thích đầy tinh thần trách nhiệm của các thầy thuốc. Hơn 50 hàng thịt chó với gần 1.000 nhân viên phục vụ thì xác suất tai nạn và ốm đau là không hề nhỏ. Bình thường thì hơn nghìn mạng ấy chẳng làm gì cũng có vài chục người bị tai nạn hoặc ốm đau trong năm không thể tránh. Những câu chuyện cụ thể về bà chủ quán này ngã gãy tay, con ông chủ kia bị chó dại cắn lăn ra chết là rất lẻ tẻ, lặt vặt không đáng kể.

Nguyên nhân tan rã của dãy hàng thịt chó Nhật Tân chỉ có một mà thôi. Khách hàng không mặn mà với món khoái khẩu này nữa. Hàng quán mở ra mất công đuổi ruồi và nộp thuế chỉ vài tháng là quay quắt “đắng lòng”.

Một thời từng có phố "Mộc tồn" ảnh 2Những hình ảnh chế biến món “Mộc tồn” 

Người ta không ăn thịt chó nhiều như trước nữa là bởi lúc này thực phẩm đã tương đối đủ đầy. Rất đúng với nghĩa đen câu ca dao cổ: “Đói thì thèm thịt thèm xôi/ Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đường”. Không nhất thiết phải kỳ công lên tận Nhật Tân xa xôi chỉ để bổ sung khẩu phần dinh dưỡng. Đã thế, khung cảnh lãng mạn ngày trước cũng bắt đầu xập xệ nhếch nhác. Nhà cửa bắt đầu chen chúc mọc lên che hết tầm nhìn và gió sông.

Phong trào mặc váy ngắn của chị em lên cao lúc này cũng là một nguyên nhân khiến những nhà hàng trải chiếu vắng khách. Thỉnh thoảng nhìn xuống khe sàn gỗ thấy những con chó vêu vao nhốt trong lồng sắt cũng bùi ngùi thương cảm. Đôi khi còn thấy cả những con chó cảnh được nhốt chung với lũ chó nhà vào lúc phong trào nuôi chó Nhật bán sang bên kia biên giới đã hoàn toàn chấm dứt.

Những người chủ hàng cũng nhanh chóng tìm ra hướng làm ăn mới khi dải đất ven sông biến thành bất động sản. Nhiều nhà bán đất cho những ông chủ mới xây nhà kinh doanh nhộn nhịp. Bài toán đơn giản của họ là bán mảnh đất đi sẽ kiếm được số tiền mà nếu bán thịt chó phải vài đời mới kiếm nổi. Cũng có người lo lắng đến việc tâm linh muốn ngừng sát sinh ngay khi có thể. Đó là lúc họ đã kiếm đủ tiền lo cho con cái yên ổn khởi nghiệp bằng những nghề khác.

Giờ thì món ẩm thực gai góc này vẫn tồn tại ở Hà Nội nhưng với quy mô nhỏ hơn trước nhiều. Cả con đường Âu Cơ chạy qua Nhật Tân hình như chỉ còn nhõn một hàng bán cho dân quanh vùng. Rất lâu rồi không thấy các tửu đồ nội thành rủ nhau lên đấy. Con đường lung linh ánh đèn màu trong những ngôi biệt thự rộng lớn. Món “Mộc tồn” Nhật Tân chỉ còn trong ký ức những người Hà Nội tầm trên dưới 60 tuổi mà thôi.

12-2017

Tin đọc nhiều