Một số dịch bệnh gia tăng trong mùa xuân

ANTĐ - Khí hậu mùa xuân là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây bệnh ở người. Dưới đây là những bệnh thường gặp trong mùa xuân và cách phòng, chống.

Bệnh thủy đậu thường gia tăng trong mùa xuân (ảnh minh họa )

Bệnh đường hô hấp

Hen phế quản là bệnh đứng đầu trong số các bệnh hô hấp thường gặp vào mùa xuân. Nguyên nhân là do sự thay đổi thời tiết khiến sức đề kháng của cơ thể giảm sút, lại gặp phải các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng… phát triển nên những người có thể trạng dị ứng khi hít dễ bị co rút khí quản, tạo ra các cơn hen. Biểu hiện của bệnh: khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể suy hô hấp. Để phòng tránh các cơn hen khó chịu này cần bảo vệ mình trước các tác nhân gây dị ứng, sử dụng khẩu trang hoạt tính, bổ sung vitamin C.

Bệnh viêm khí - phế quản cấp do các loại virus cúm gây ra cũng phát triển mạnh trong mùa xuân. Triệu chứng đầu tiên là hắt hơi, sổ mũi, sau đó là ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực, khó thở. Với các đối tượng có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ em thường rất dễ mắc bệnh này. Do vậy, cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh lạnh, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước.

Ngoài ra, bệnh viêm mũi dị ứng cũng rất hay gặp vào thời gian này ở những người có cơ địa dị ứng, bởi đây là thời điểm phấn hoa phát tán nhiều trong không khí. Bệnh nhân phát bệnh thấy mũi ngứa, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi rất khó chịu. Mọi người có thể phòng viêm mũi dị ứng bằng cách hạn chế đến những nơi trồng nhiều hoa, không cắm hoa trong phòng, đeo khẩu trang khi đi ra đường. Nếu khi hít phải phấn hoa có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi bằng nước muối vô khuẩn.

Bệnh thủy đậu

Đây là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Đáng chú ý, bệnh này lây lan qua đường hô hấp khi hít phải những giọt nước từ dịch ho hay nước mũi của người bệnh, hoặc lây do tiếp xúc với mụn nước, quần áo, vải trải giường của người bệnh… nên rất dễ bùng phát thành dịch lớn, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Khi mắc bệnh, triệu chứng nhận biết là nổi lên các nốt tròn nhỏ, tiến triển trong vòng 12-24 giờ thành mụn nước, bọng nước, mọc rải rác toàn thân. Sau đó, các nốt này khô đi trở thành vảy và khỏi sau 5 đến 7 ngày. Thường thủy đậu lành tính, nhưng nếu không cẩn thận có thể gây nhiễm trùng để lại sẹo và các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi.

Khoảng 90% những người chưa tiêm chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây nhiễm nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng thủy đậu và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.

Bệnh viêm kết mạc

Đây là bệnh dị ứng ở mắt, thường gặp ở tuổi thành niên. Triệu chứng của bệnh thường gặp là: đỏ cả 2 mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, thường xuyên tái phát vào mùa xuân. Thời tiết càng ẩm, hoặc không khí càng ô nhiễm thì bệnh càng nặng. Khi xuất hiện các triệu chứng nói trên, người bệnh nên tránh dụi mắt. Có thể nhỏ các thuốc rửa mắt hoặc nước mắt nhân tạo cho trôi hết phấn hoa, bụi, sau đó có thể đắp gạc lạnh cho mắt bớt ngứa và đến gặp bác sĩ để có chỉ định sử dụng thuốc đúng đắn. Tuyệt đối không tự ý mua, sử dụng thuốc vì có thể gây những tác dụng phụ ở mắt rất nguy hiểm.

Sốt phát ban và cúm A/H1N1

Bệnh sốt phát ban thường xảy ra ở trẻ em nhưng gần đây, bệnh đã xuất hiện ở cả người lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do virus như virus thủy đậu, rubella, sởi, dengue, virus gây bệnh chân tay miệng, thấp tim… hoặc những bệnh rối loạn chuyển hóa gây ban như viêm thận, luput ban đỏ, giang mai. Về cơ bản, sốt phát ban do virus là lành tính, song vẫn có khá nhiều ca bị biến chứng. Cách tốt nhất phòng bệnh là tiêm chủng.

Tương tự, thời tiết mùa xuân có độ ẩm lớn, chức năng miễn dịch của cơ thể thấp, kết hợp với các hoạt động lễ hội diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước là điều kiện để virus cúm A/H1N1 phát triển, lây lan. Cách phòng tốt nhất là tiêm phòng và tránh tiếp xúc với người bệnh, hạn chế và đeo khẩu trang khi phải đến các nơi công cộng tập trung đông người…