Một số bất cập của nội dung Dự thảo Nghị định Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Nhiều nội dung còn bất cập, không phù hợp và chưa tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, đồng thời trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38 về việc phê duyệt “Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu…”, đó là những băn khoăn của PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam khi chia sẻ những ý kiến của mình với báo chí về nội dung Dự thảo Nghị định ngày 04/06/2021 do Bộ Tài chính xây dựng…
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam chia sẻ những ý kiến của mình với báo chí về nội dung Dự thảo Nghị định ngày 04/06/2021 do Bộ Tài chính xây dựng…

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam chia sẻ những ý kiến của mình với báo chí về nội dung Dự thảo Nghị định ngày 04/06/2021 do Bộ Tài chính xây dựng…

Nhiều nội dung bất cập

Theo PGS.TS Trần Đáng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 về việc phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu (gọi tắt là Quyết định số 38), giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) làm đầu mối phối hợp với các Bộ và các tổ chức cá nhân liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu (gọi tắt là Dự thảo Nghị định).

“Về Dự thảo Nghị định này, ngày 10/5/2021, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã có văn bản góp ý, tuy nhiên qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định ngày 04/06/2021 do Bộ Tài chính xây dựng, Hiệp hội TPCN Việt Nam nhận thấy nhiều nội dung bất cập, không phù hợp và cơ bản chưa tiếp thu các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các Viện, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38”, PGS.TS Trần Đáng thông tin.

Được biết, Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính xây dựng đề ngày 04/06/2021, quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu gồm 5 Chương, 44 Điều. Liên quan đến những nội dung về Dự thảo Nghị định này, ngày 12/5/2021, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngay khi Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu” được phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg. Trong đó, nội dung quan trọng số một là xây dựng Nghị định để làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện theo mô hình mới. Nghị định này liên quan đến nhiều luật, nhiều Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; vì vậy cần sự chung tay cùng xây dựng của các bên có liên quan để cải cách mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù đánh giá tầm quan trọng của Dự thảo Nghị định như vậy nhưng khi Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính xây dựng, nhiều nội dung đã “vấp” phải không ít sự bất cập. Cụ thể như tính tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38 hay như việc giao cho cơ quan đầu mối là Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xây dựng Nghị định, xây dựng mô hình không có nghĩa các đơn vị Hải quan sẽ làm hết…

Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hoá nhập khẩu

Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hoá nhập khẩu

Chỉ ra sự bất cập, không thống nhất đối với Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính xây dựng, PGS. TS Trần Đáng cho rằng, đối với hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP hàng hoá nhập khẩu tại cửa khẩu, Dự thảo Nghị định lại quy định các nội dung trình tự công bố hợp quy, đăng ký công bố, tự công bố… Đây là các nội dung thuộc phạm vi của hoạt động quản lý nhà nước áp dụng thống nhất cho các thực phẩm nhập khẩu và thực phẩm sản xuất trong nước. Như vậy Dự thảo Nghị định đã không phân biệt được hoạt động kiểm tra nhà nước và hoạt động quản lý nhà nước. Trong khi đó, nội dung quản lý nhà nước không thuộc phạm vi của Quyết định số 38.

Gây lộn xộn, dễ mất kiểm soát ATTP nhập khẩu

“Bên cạnh đó, với mục tiêu chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao công tác quản lý chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu, theo đó Nghị định về kiểm tra nhà nước phải đảm bảo 5 nguyên tắc và đáp ưng được 7 cải cách tại Quyết định số 38 nhưng Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính xây dựng chưa đảm bảo các nội dung được giao tại Quyết định số 38. Cụ thể, Dự thảo Nghị định không tuân thủ các quy định tại các Luật An toàn thực phẩm; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, không kế thừa sự tiến bộ của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP…”, PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn liên kết Việt Nam (Vinalink Group) cũng chia sẻ, những nội dung của Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính xây dựng không tuân thủ theo quy định của các luật đã có và đang còn hiệu lực gây ra sự lộn xộn, chồng chéo. Như vậy, muốn triển khai nội dung của Dự thảo Nghị định thì Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi một số luật như: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá; Luật An toàn thực phẩm và các luật chuyên ngành khác trước khi quy định tại Dự thảo Nghị định này.

Đặc biệt, việc không kế thừa các tiến bộ của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP để giải quyết tất cả các bất cập liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành như: chỉ kiểm tra ATTP, chất lượng sẽ do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và sẽ được các cơ quan quản lý chuyên ngành hẩu kiểm khi lưu thông trên thị trường theo các nguy cơ; việc kiểm tra ATTP được thực hiện theo 3 phương thức. Tuy nhiên, với quy định tại Dự thảo Nghị định như hiện nay đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu về phương thức và mức độ kiểm tra. Việc này sẽ dẫn đến Việt Nam sẽ phải xử lý các quan ngại, khiếu nại của các nước xuất khẩu thực phẩm trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia WTO và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do với các nước khu vực. Bên cạnh đó, việc xây dựng Dự thảo Nghi định của Bộ Tài chính đã không được thực hiện theo quy trình đánh giá tác động văn bản (RIA) theo luật ban hành văn bản.

“Được biết các bộ như: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, Bộ Xây dựng… đều đã có những công văn nêu các bất hợp lý đối với Dự thảo này. Các tổ chức ngành nghề cũng đã có ý kiến phản đố các quy định tại Dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không tiếp thu chỉnh sửa hoặc chỉnh sửa các nội dung không phù hợp với thực tế triển khai đang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là phù hợp, đồng thời đã gấp rút văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Với một Dự thảo Nghị định vừa trái luật vừa trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên cần dừng để xem xét xây dựng đầy đủ và đúng với nội dung tránh việc ban hành một Nghị định trái luật, không phù hợp với thông lệ quốc tế; tránh phản ứng của các nước thành viên WTO vì tạo ra rào cản thương mại mà chưa được sự thông nhất thông qua biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT); mất khả năng kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu lưu thông tại thị trường…”, ông Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.