Một Sài Gòn phóng khoáng và nghĩa tình

ANTĐ - Nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn với bao điều thú vị mà đến người dân “chính gốc” ở đó tưởng như hiểu, đọc rồi mới ngỡ “hóa ra vẫn chưa yêu đủ thành phố này”. Một trong số những cuốn sách ấy là “Sài Gòn, bao nhớ” của Đàm Hà Phú. 

Một Sài Gòn phóng khoáng và nghĩa tình ảnh 1

Cuốn sách “Sài Gòn, bao nhớ”

Theo tác giả Đàm Hà Phú, vào cái ngày anh mới đặt chân đến Sài Gòn, chữ “bao” đã là món ăn ê hề trong câu chuyện của tầng lớp người lao động, từ các ông chủ ghe trái cây cho đến các chị bán quần áo hàng thùng trên các con phố… Người Sài Gòn có cách nói như vậy, “trái cây bao ăn, bao ngọt, đồ ăn bao rẻ, quần áo bao đẹp, đậu xe bao trật tự, đi nhậu bao say…”.

Từ “bao” theo định nghĩa của Đàm Hà Phú, người không sinh ra ở Sài Gòn nhưng có đến 20 năm lăn lộn ở đất này, giống như một dạng “cam kết miệng” với người ta, rằng họ phải hài lòng với cái mà họ nhận được. Chữ “bao” nghe đơn giản như chơi rồi bỏ, nhưng nó lại là cam kết rất nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng của người miền Nam. Chợt nghĩ, hình như “Sài Gòn, bao nhớ” hình như cũng là một cam kết của người viết, cứ đọc đi, rồi bạn sẽ được vùng vẫy, thỏa lòng cái nhớ nhung với thành phố này, dù đi xa hay “ở thật gần mà vẫn nhớ”. 

Nói một cách dễ hình dung, “Sài Gòn, bao nhớ” giống như một tập ghi chép chuyện thường ngày của một thành phố. Chỉ là những câu chuyện lặt vặt, tưởng quen hóa lạ được kể bằng cái giọng rổn rảng kiểu “vỉa hè”, đặc sệt Nam bộ, đôi khi khiến người đọc thấy không quen, nói thẳng ra thì “khó chịu sao ấy”, nhưng lại đầy nhiệt thành, thuần phác.

Qua giọng kể của Đàm Hà Phú, ta biết đến những con người miền Nam chịu thương chịu khó, cơ cực nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người. Nào bà Hai cho người hàng xóm hoạn nạn vay chịu “bảy cây vàng” chẳng tính ngày trả lại; chú Ba Xô đạp xích lô quyên tiền cho bệnh nhân nghèo, bác “xe ôm” nhường “cuốc xe” hiếm hoi cho một người khác giữa ngày hè oi bức, đổ lửa… Sự xởi lởi, vô tư, hào sảng của người Sài Gòn cũng ở chỗ dù đi đâu, họ vẫn yêu cái cảm giác mỗi sáng tinh mơ thức dậy với xôn xao những hàng những quán, đi bộ ra đầu hẻm, gọi đĩa “sà bì chưởng” - ấy là cơm tấm sườn bì nức tiếng, kèm ly cà phê đá khen khét, lật tờ nhật trình đầy tin cướp giật, truy nã, rồi vắt chân ngồi nghe tiếng xe máy chạy ầm ì trên phố. 

Đàm Hà Phú cũng đã từng chia sẻ trên trang sách và cũng như trang cá nhân của mình như thế này, cứ mỗi lần anh viết một hay nhiều câu chuyện về Sài Gòn thì lại có không ít độc giả nhảy vào gửi tin nhắn, thậm chí gửi những đường link về những thói xấu, tệ nạn của Sài Gòn. Nào cướp giật, “hôi” của, kẹt xe, chửi thề, chặt chém…, tất tật những mặt trái của một đô thị hỗn tạp, xô bồ. Nhưng nhà văn quê gốc Nha Trang không chọn để viết về những điều ấy.

Trong trăm thứ mà bạn hay bất kỳ ai trong số chúng ta có thể không thích ở thành phố này, anh chỉ chọn những ký ức đẹp nhất. Đó là một Sài Gòn - “người mẹ” đã cưu mang mười triệu con người, những con hẻm chằng chịt ở quận tư, quận tám, những khu nhà tạm bợ cất trên bờ kênh Nhiêu Lộc mà người ta hay gọi là xóm Nước Đen… Một Sài Gòn không phồn hoa, hay như ai đó từng nói - một “thị thành không ký ức” nhưng đích thực là mảnh đất của những con người hào hiệp, phóng khoáng và nghĩa tình.