Một phút quẫn trí

ANTĐ - Không ai ngờ mọi việc trở nên tồi tệ như vậy khi cô giúp việc mới chân ướt chân ráo đến. Vitria Depsi Wahyuni đến từ một làng nhỏ ở Đông Java, Indonesia. Đó là nơi nhịp sống khá chậm, đơn giản và cô được bao bọc chở che trong cộng đồng của mình. Ở tuổi 16, Vitria không được làm việc tại Singapore, nhưng cha cô đã giả mạo giấy tờ, khai man tuổi thành 23, tuổi tối thiểu để con gái được cấp hộ chiếu xin đi làm người giúp việc ở đảo quốc Sư tử.

Vitria Depsi Wahyuni

Tiến sĩ Tâm lý Parvathy Pathy, Viện Sức khỏe tâm thần (IMH) Singapore khi tiếp xúc với Vitria cho biết, tuổi quá trẻ khiến con người ta thiếu kiểm soát được cơn bốc đồng, dễ sụp đổ và lung lạc vì thiếu kỹ năng giải quyết xung đột. Khác với cuộc sống làng quê, Vitria sang Singapore làm việc dưới sự sai bảo của người chủ mà theo lời cô gái này mô tả là thích om sòm, để ý vặt và hay đòi hỏi khắt khe. Cô cảm thấy không bao giờ có thể làm cho bà Sng Madam hài lòng. Vitria tâm sự với bác sỹ tâm lý, có vẻ như với bà ấy, “làm điều này sai, điều kia cũng sai”: “Tôi mà mỉm cười thì bị mắng. Nếu lặng lẽ làm việc lại bị cho là nhăn nhó”. Cụ già khó tính chủ nhà đó không chỉ thường xuyên mắng mỏ cô giúp việc sai sót trong công việc mà còn thường gọi cô là “bodoh” (nghĩa là “ngu ngốc” trong tiếng Mã Lai). Bà này hay chì chiết cô giúp việc “mắt thì to mà bụi bẩn thì không nhìn ra”. 

 Ngay cả các thành viên trong gia đình của bà Sng cho biết bà rất khó tính. Người con gái 59 tuổi của bà thừa nhận bà cụ đòi hỏi cao về sự sạch sẽ, hay nổi đóa và dễ bị kích thích khi mọi việc không đúng với ý muốn của bà. Tòa án cũng tìm hiểu và được biết rằng bà Sng đã trải qua 6 người giúp việc từ năm 2003. Một trong những người giúp việc cũ của bà làm cố cũng chỉ được 10 tháng hồi năm 2007 trước khi “bỏ chạy” gọi bà Sng là “người xấu”.

 Tiến sĩ Parvathy cho biết, sự tổn thương từ việc thường xuyên bị mắng nhiếc trong Vitria đã biến thành nỗi thất vọng và sự giận dữ lên đến đỉnh điểm. Hôm đó, khoảng 20h tối 25-11 đến 3h15 ngày 26-11-2009 tại nhà ở Đại lộ Farleigh, khu Serangoon Gardens, Vitria Depsi Wahyuni đã quyết định ra tay. Cô ta đã bóp cổ bà chủ, bà Sng Gek Wah, 87 tuổi cho đến khi bà này tắt thở. 

  Ngày 9-3-2012, Vitria, nay 19 tuổi, đã bị Tòa án tối cao Singapore kết án 10 năm tù vì tội ngộ sát. Vitria ban đầu phải đối mặt với tội giết người, nhưng sau đó được áp dụng tội danh nhẹ hơn trong cuộc điều tra sơ bộ hồi tháng 1-2012. Trong quá trình tuyên án, Thẩm phán Choo Han Teck nói với Vitria rằng bị cáo có thể đối mặt với bản án 20 năm, nhưng ông chỉ tuyên 10 năm dựa theo nhiều yếu tố giảm nhẹ. 

Người giúp việc ít tuổi không cố tình giấu giếm tội lỗi của mình sau khi phạm tội nhưng tòa án đặt ra câu hỏi liệu có nên để người làm là một thiếu nữ có chỉ số IQ thấp ở một mình với bà chủ quá khắt khe. Điều xảy ra giữa bà Sng và người giúp việc tên Vitria là một bi kịch và đây không phải là sự việc đầu tiên người lao động “ám sát” chủ nhà tại Singapore. Tháng 8-2011, một nữ giúp việc 28 tuổi người Indonesia đã bị bỏ tù 6 tháng do đâm bà chủ 44 tuổi chỉ vì bị mắng không biết dọn sạch giường. Tháng 12-2009, một nữ giúp việc nhận án 2 năm tù vì lấy kéo kề cổ đứa con 8 tháng tuổi để ép chủ nhà, số là cô này đã 2 lần đề đạt xin được về Indonesia thăm con nhưng chủ nhà lờ đi. Hay cũng năm 2009, một cô giúp việc 26 tuổi bị phát hiện cho thuốc ngủ vào thức ăn của bà chủ 79 tuổi suốt 11 năm ròng…

Dù thế nào đó cũng là những bài học về dung hòa quan hệ giữa chủ nhà và người làm, quan trọng vẫn là sự cảm thông từ hai phía, sớm phát hiện và giải quyết mâu thuẫn, không để nó âm ỉ rồi có ngày bùng phát. Đầu tháng 3 này, Singapore công bố quyết định sẽ áp dụng chính sách là bắt đầu từ năm 2013 buộc phải cho người làm công có quốc tịch nước ngoài được nghỉ 1 ngày trong tuần.