Một ông cán bộ “to” thích sưu tầm “chổi cùn rế rách”

ANTĐ - Không giống với những vị cán bộ lãnh đạo khác thường sưu tập cho mình những đồ quý giá để trưng bày tại tư gia cho sang trọng, hoành tráng. Ông cán bộ “to” mà chúng tôi gặp lại đi nhặt những chiếc chổi cùn, thúng rách, cối xay đá mang về chất đầy ở nhà. Đó là sở thích kỳ lạ của ông Nguyễn Công Đồn, nguyên chủ tịch huyện Lục Ngạn,  tỉnh Bắc Giang chủ nhân của bảo tàng tư gia nổi tiếng của đất vải thiều nhiều năm nay.

Vị chủ tịch huyện “nhà quê”

Tìm đến nhà vị cựu chủ tịch huyện, bắt gặp ông Đồn đang mải mê lau dọn trong bảo tàng của mình. Ông vui vẻ nghỉ tay tiếp khách, ngồi uống nước trò chuyện. Cái bảo tàng của ông không thiếu những thứ mà người khác bỏ đi  như cái cối, cái nón mê, rồi chõng tre, nơm, vó… nói nôm na là những “chổi cùn, rế rách” mà nhà nông người ta không dùng nữa đem bỏ đi thì ông xin hoặc mua đem về chất đầy nhà. Ông cho biết: “Cuộc sống tôi từ nhỏ đã được gắn liền với  làng quê, nay thấy người ta bỏ đi tôi tiếc lắm nên muốn giữ lại để làm kỷ vật. Vì vậy tôi cố gắng đi tìm mỗi thứ một vài cái lưu giữ lại”.

Và cũng chính vì sở thích này mà người dân nơi đây thường gọi ông Đồn với biệt danh vui là ông Đồn “nhà quê”. Ông Đồn cười nói: “Hàng xóm gọi tôi vui vậy vì sang nhà tôi chơi toàn thấy mấy đồ cũ kỹ hư hỏng xếp trong nhà”. Mới đầu chỉ là ý muốn lưu giữ những kỷ vật của những người nông dân, nhưng lâu dần ông lại mở rộng phạm vi sưu tầm của mình. Trong mỗi chuyến công tác thấy cái gì hay như cái cối xay bỏ xó, cối đá ngoài vườn ông liền xin hoặc mua mang về. Nhiều người thắc mắc không hiểu sao một vị chủ tịch huyện lại đi lấy những thứ bỏ đi như vậy. Khi hỏi ông chỉ cười và nói “thấy tiếc thì lấy lại mang về thôi”.

Thành lập bảo tàng quê đầu tiên

Tính sơ sơ trong hàng chục năm bỏ công tìm kiếm sưu tầm những vật dụng nhà quê, ông Đồn đã có tới hàng nghìn hiện vật. Từ những đồ dùng nhỏ như bát đũa, thau, chậu đến những cái cày, xe bò, cối xay… Cổ cũng có, hiện đại cũng có. Nhiều người biết sở thích của ông họ mang đến biếu không cho ông thêm những hiện vật, nhưng cũng có khi ông phải đích thân lặn lội tìm kiếm, nghe ở đâu có là ông tìm đến tận nơi mang về. Ông nói: “Dù đồ đạc đó cũng chỉ là thứ bỏ đi nhưng tôi yêu nó như một báu vật”. Những ai đến tặng đồ vật ông đều cẩn thận, ghi chép, chụp ảnh lưu niệm cùng họ, ông để cuốn danh sách đó một cách trang trọng ở ngay cửa ra vào của bảo tàng.

Trong bộ sưu tập của ông Đồn cũng có khá nhiều hiện vật gắn liền với lịch sử. Ông giới thiệu cho khách những hiện vật mà ông dày công sưu tầm được như chiếc điện thoại để bàn từ thời Pháp thuộc. Đây là chiếc điện thoại dùng tay quay số từng được dùng phục vụ cho quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong một chuyến công tác ông Đồn tình cờ bắt gặp ở nhà một người cựu chiến binh. Ông bày tỏ mong muốn được mua lại, nhưng sau biết ý định của ông Đồn mua về để trưng bày cho mọi người cùng xem người cựu chiến binh đã tặng cho ông.

Hoặc là chiếc xe bò bằng làm bằng tre không có bánh hay còn gọi là xe quệt, xe này dùng để bà con nông dân chở lúa, ngô. Vì ngày xưa hiếm bánh xe nên người ta chỉ dùng hai thân cây thay bánh để trâu bò có thể kéo cho chạy trên đường. Chiếc xe này ông mua lại từ xã Hải Sơn cách nhà vài chục cây số và cũng phải mất công đi lại mấy lần mới mua được. Vì chiếc xe này từng được dùng để chở viên Đại úy phi công Mỹ Guydonuynlot bị dân quân huyện Lục Ngạn bắt năm 1970 . Khi bị bắt, viên phi công này không đi được chân đất nên dân quân đã dùng chiếc xe bò này để chở về trụ sở huyện đội.

Khách đến “bảo tàng nhà quê” của ông Đồn ngày một đông. Đông nhất có lẽ là các cháu học sinh được các cô giáo dẫn tới để tham quan. Thấy nhiều người quan tâm đến bộ sưu tập của mình, ông quyết định xây một căn nhà để trưng bày hiện vật và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tham quan. Ông đặt tên là “Khu trưng bày vật dụng nhà quê” và nó đã trở thành điểm tham quan lý tưởng của nhiều người.

Giữ lại “hồn quê”

Lúc khu nhà trưng bày được xây xong thì ông mở cửa cho tất cả mọi người đến, không thu tiền. Là một người hiếu khách, ông luôn niềm nở đón tiếp tất cả mọi người đến thăm. Nói về công trình của chồng, vợ ông là bà Đồng Thị Lơ chỉ cười và nói: “Ngần ấy năm đi công tác, thứ mà ông ấy mang về nhiều nhất là mấy cái “thúng mủng dần sàng” này đây. Có những lần con cái chạy ra đón ông ấy xem có quà gì thì chỉ thấy chum lọ và cối xay…”. Biết là vậy nhưng đó là sở thích và niềm đam mê của chồng nên bà cũng không phản đối, rồi ủng hộ giúp ông sắp xếp các hiện vật.

Bây giờ khi ở nhà nghỉ hưu, ông Đồn có nhiều thời gian hơn cho đam mê của mình. Ông luôn là hướng dẫn viên cho các cháu thiếu nhi, ông Đồn nói: “Thú thật là chẳng có gì vui bằng khi các cháu thiếu nhi đến thích thú, ngắm nghía những đồ vật trong bảo tàng của tôi”. Nhìn những ánh mắt say mê, những nụ cười rạng rỡ và những câu hỏi rất tò mò ngây ngô của lũ trẻ là ông lại cười sảng khoái và tìm cách giảng giải công dụng, cách dùng các đồ vật cho cháu hiểu và tưởng tượng ra khung cảnh sinh hoạt ngày xưa của người nông dân như thế nào.

Nhìn ông vừa trò chuyện, vừa cẩn thận lau chùi những món đồ trong “bảo tàng nhà quê” mới thấy được ông yêu quý chúng đến mức nào. Nhờ vị cựu chủ tịch huyện ham mê lưu giữ những “mảng hồn quê” đã mất mà những thế hệ sau này còn có thể được ngắm nhìn cuộc sống ngày xưa của nông dân vùng Bắc bộ. Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang cũng đã cấp giấy công nhận công trình của ông là một bảo tàng tư nhân chính thức.