Một năm nhìn lại 9 bài học kinh nghiệm Việt Nam đoàn kết phòng chống thành công đại dịch toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 29-12-2019, các trường hợp mắc Covid-19 lần đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến nay đã sắp tròn 1 năm, thế giới trải qua đại dịch và đã ghi nhận trên 120 triệu ca mắc và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Việt Nam quyết thắng đại dịch - Ảnh: Huỳnh Trường Giang

Việt Nam quyết thắng đại dịch - Ảnh: Huỳnh Trường Giang

Trải qua hơn 1 năm ứng phó với đại dịch, Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao mô hình phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 1 năm nhìn lại, có quá nhiều bài học kinh nghiệm lẫn sức mạnh đoàn kết của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

1. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất

Đó là chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp ủy Đảng với sự nỗ lực, khẩn trương của chính quyền các cấp. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước; Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo thần tốc, quyết liệt và đúng thời điểm ngay từ rất sớm, đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Có thể nói đây là một trong những điểm đặc biệt của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trên tinh thần “chống dịch như chống giặc,” toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng chống dịch.

2. Triển khai sớm, chủ động và đặc biệt

Sự kiên định với biện pháp chống dịch xuyên suốt các giai đoạn là “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả. Ngay từ đầu, ngành Y tế đã kiên quyết cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng, từ đó liên tục mở rộng năng lực xét nghiệm. Đến nay, khả năng xét nghiệm của Việt Nam có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng. Cơ chế cách ly của Việt Nam được thiết kế công phu, chi tiết đảm bảo mọi trường hợp nhiễm, nghi nhiễm và những người tiếp xúc gần đều phải được cách ly. Bằng cách ngăn chặn và vô hiệu hóa các mắt xích lây bệnh trong cộng đồng, hệ thống cách ly này ngăn chặn rất hữu hiệu sự bùng phát dịch.

3. Phương châm “4 tại chỗ”

Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ - tất cả các địa phương trong cả nước đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, thành phố - đây là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo thành công. Việt Nam đã sáng tạo ra những cách chống dịch rất hiệu quả, tổng hợp sức mạnh của hệ thống chính trị và ý thức công dân của từng người dân.

4. Minh bạch thông tin, truyền thông sâu rộng

Xác định rõ ngay từ đầu “thắng truyền thông mới thắng được dịch”, Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng thể của nền báo chí cách mạng Việt Nam; phát huy hết sức hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật; các lực lượng; các phương tiện; kết hợp đa dạng các hình thức truyền thông để tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch thực sự ấn tượng và hiệu quả.

5. Chỉ đạo quyết liệt, nhịp nhàng, hiệu quả

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các Bộ, ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành Y tế và Công an, Quân đội và các ngành liên quan. Với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu, các Bộ, ngành đã cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, vất vả để hiệp đồng chặt chẽ trong hành động, mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động phòng chống dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về sự phối hợp này như sau: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương”.

Thế giới ca ngợi nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Thế giới ca ngợi nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam - Ảnh: TTXVN

6. Chủ động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế

Ngay từ đầu dịch Covid-19, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý, điều đó đã được tổ chức quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm Covid-19…

7. Huy động sức mạnh tổng hợp

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng tại cụm 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng, hàng nghìn thầy thuốc, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bị “mắc kẹt” trong khu vực này. Bộ Y tế đã thành lập “sở chỉ huy tiền phương” tại Đà Nẵng và huy động chi viện chưa từng có tiền lệ với lực lượng y tế tinh nhuệ lên đến gần 300 người tới miền Trung để vừa thực hiện điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch và xét nghiệm, vừa thực hiện điều trị cấp cứu các ca bệnh nặng, vừa tiến hành “giảm tải” cụm bệnh viện này. Bộ Y tế cũng thành lập kho vật tư, hàng hóa hỗ trợ phòng, chống dịch ngay tại Đà Nẵng…

8. Chuẩn bị chủ động về hậu cần

Ngành Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương chủ động chuẩn bị hậu cần, bao gồm tất cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, máy thở. Có những mặt hàng chủ động sản xuất trong nước, có những mặt hàng chủ động nhập khẩu, mua sắm để không làm gián đoạn hoạt động phòng, chống dịch. Đặc biệt trong đợt dịch bùng phát tại miền Trung, Bộ Y tế đã thành lập kho vật tư, hàng hóa hỗ trợ phòng, chống dịch ngay tại Đà Nẵng để đáp ứng kịp thời nhu cầu chống dịch trên địa bàn. Các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được Bộ Y tế đẩy mạnh nhằm tạo những tiền đề vững chắc phục vụ công tác phòng, chống dịch.

9. Đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế

Tất cả các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế, cũng như trong kiểm soát biên giới, quản lý người nhập cảnh, bảo hộ công dân... đều tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ,” hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Nhờ những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 3%, là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.