Một mong ước đơn giản

ANTĐ - Khi thực thi các quy tắc theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị năng lực để ứng phó với cạnh tranh, trong đó cạnh tranh nguồn nhân lực là yếu tố then chốt.

Đó là nhận định được giới chuyên gia trong và ngoài nước rút ra tại hội nghị “TPP: cơ hội và thách thức Việt Nam” vừa diễn ra. Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn Bay Global Strategies nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế khi tham gia TPP, song một thực tế mà các doanh nghiệp cần nhìn thẳng và chấp nhận là môi trường cạnh tranh nguồn nhân lực sẽ lành mạnh và bình đẳng hơn, không có sự phân biệt đối xử trong nước và nước ngoài. Dòng lao động giữa các nước thành viên TPP, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chuyển động nhộn nhịp, hầu như không có rào cản. 

So với các nước thành viên TPP, Việt Nam tuy là nước nhỏ nhưng lại có khả năng khai thác cơ hội để tạo ra tăng trưởng từ nguồn lao động trẻ, dồi dào và giá rẻ. Song, cũng chính lợi thế này sẽ trở thành bất lợi nếu doanh nghiệp không nắm bắt cơ hội, đổi mới, cải cách theo tinh thần quyết liệt hơn, cởi mở hơn trong việc quản lý, sử dụng, đối xử với lực lượng lao động này. 

Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015, những tồn tại, yếu kém cố hữu của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đó là năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang phát triển dựa chủ yếu vào tăng trưởng nguồn vốn, chứ không dựa nhiều vào tăng trưởng năng suất lao động. Đây dường như là một nghịch lý khi Việt Nam luôn được coi là có lợi thế về nguồn lao động, nhưng lại không tập trung khai thác lợi thế này. 

Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) nhấn mạnh, dù đến năm 2017 mới thực thi các quy tắc TPP, nhưng thời gian trôi đi rất nhanh, nên ngay từ bây giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài phải cùng xắn tay vào vượt qua thách thức về nguồn nhân lực, đừng bàn đến cơ hội nữa. Bởi một trong những quy tắc của TPP là, tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp sẽ không “đóng cửa” như trước đây. Người lao động có quyền tham gia, thậm chí có thể gia nhập các tổ chức được thành lập trong các doanh nghiệp. 

Thực tế diễn ra trong những năm gần đây cho thấy, vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trong các doanh nghiệp chưa thực sự là chỗ dựa, là tấm lá chắn mà người lao động kỳ vọng. Những vụ tranh chấp giữa chủ và thợ, những mâu thuẫn, xung đột đã từng bùng nổ ở một số địa phương, công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là một thực trạng không dễ giải quyết tận gốc. Đó là chưa kể tình trạng doanh nghiệp chây ì, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trong con mắt của hàng triệu người lao động trên cả nước, Việt Nam gia nhập TPP hay các hiệp định thương mại tự do, cơ hội lớn nhất mà họ mong chờ, hy vọng chỉ đơn giản là tăng thu nhập, mọi quyền lợi được đảm bảo vững chắc. Hội nhập là cơ hội để người lao động thoát khỏi thân phận yếu thế, lép vé, thiệt thòi.