Một mình một chợ

ANTĐ - “Vàng đang bị làm giá quá dễ, vàng đang bị chi phối bởi những tổ chức độc quyền, thị trường vàng đang không minh  bạch, phụ thuộc quá nhiều vào cơ chế xin cho” - đây là nhận định của ông Hoàng Minh Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Tài chính Việt Nam.

Có thời điểm giá vàng giảm xuống dưới mức 43 triệu đồng/lượng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ. Một số doanh nghiệp kim hoàn tiếp tục cho biết, do nguồn cung vàng trong nước hạn hẹp nên giá vàng giảm chậm hơn giá thế giới. Thị trường vàng Việt Nam đang ở tình trạng “một mình một chợ”.

Khi giá vàng tăng “nóng” lên 49 triệu/đồng lượng, đã có nhiều người đặt vấn đề, vàng bị “làm giá”. Cơ quan chức năng cũng đưa ra nhận định và khuyến cáo người dân nên thận trọng. Những ngày vừa qua, giá vàng trong nước liên tục chênh tới trên 4 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng thế giới thì vấn đề này một lần nữa lại được đặt ra.

Ông Vũ Mạnh Hải - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP Hà Nội, chủ Doanh nghiệp Vàng bạc Bảo Tín - Mạnh Hải cho rằng, giá thị trường vàng đang bị chi phối bởi cung - cầu. Ông Hải phân tích, vàng thế giới đang có tín hiệu giảm, và đây là điều đáng mừng đối với thị trường vàng trong nước. Trong ngắn hạn giá vàng sẽ trở về với giá trị thực, hạ nhiệt. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phải nhập vàng giá cao, mua vàng từ dân ở mức cao, bây giờ không thể bán ra với giá thấp. Doanh nghiệp không chịu bán thấp nếu không sẽ bị lỗ. Điều này khiến cho vàng trong nước dù có giảm, nhưng vẫn được đánh giá giảm chậm. Các doanh nghiệp xin quota nhập vàng, nhưng phải vừa nghe vừa ngóng, bán vàng cân bằng theo ngày. Không thể thả nổi giá theo giá quốc tế.

Ông Hoàng Minh Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Tài chính Việt Nam khẳng định thời gian qua, việc mua bán vàng diễn ra sôi động là do tâm lý “bầy đàn”. Người mua vàng là những người không hiểu biết về thị trường tài chính, do đó bị giới đầu cơ chuyên nghiệp lừa, mua vàng ở đỉnh cao, nhưng vừa mua xong giá đã hạ. Đây là nguyên nhân chính giải thích vì sao giá vàng có xuống, nhưng chậm, không nhanh như vàng thế giới.

Thứ  hai, thị trường vàng bất ổn là minh chứng rõ nhất, bộc lộ những yếu kém trong quản lý  của Ngân hàng Nhà nước. Một số tổ chức độc quyền, ngân hàng thương mại có tiếng, dựa vào mối quan hệ, đã lợi dụng mối quan hệ xin cho, nhập vàng về kho và cũng giữ vàng trong kho, không chịu kinh doanh.

Trong năm 2010, đặc biệt là 9 tháng đầu năm, vàng càng ghìm thì giá càng lên. Mỗi lần giá lên, nhà nước lại cho nhập vàng. Nhưng sau 3 lần cho nhập, biện pháp đã không phát huy tác dụng mong muốn. Vàng vẫn đi ngược với quy luật thế giới. Lúc vàng thế giới tăng nhẹ, thì vàng trong nước bất kham. Lúc vàng thế giới giảm nhanh, thì vàng trong nước xuống chậm. Việc các doanh nghiệp nhập nhanh nhưng sản xuất cầm chừng không khó gì để kiểm chứng. “Chỉ cần nhà nước đối chiếu sổ sách việc nhập về - bán ra thì biết rõ thực hư như thế nào. Cái khó là NHNN có chịu làm mạnh hay không, NHNN có đủ can đảm thừa nhận cái yếu của mình hay không” - ông Hải nhấn mạnh.