Một mẩu vụn cũng quý

ANTĐ - Bộ Lao động vừa công bố, các doanh nghiệp đều có mức thưởng Tết Âm lịch bình quân cho lao động khoảng 3,5 triệu đồng/người, Công ty TNHH khoảng 1,3 triệu đồng; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khoảng 1,2 triệu đồng, còn cao nhất có người “ôm” một cục tới 650 triệu đồng đấy.

- Ông chỉ hay đứng ở trên tầng cao vĩ mô mà nhìn xuống. Nếu ở tầm vi mô, sát đất và sát đáy thì mới thấy hàng chục nghìn công nhân trong các khu công nghiệp ở TP.HCM bị giải thể không dám về quê ăn tết vì số tiền lương nhặt nhạnh cả năm không đủ trang trải. Tiền ăn hàng ngày chẳng đủ lấy gì lo tết. Cứ nghĩ đến tết là nhiều người sợ khiếp vía.

- “Điệp khúc” sợ tết thì năm nào chả rền rĩ đến não ruột, não lòng. “Ca khúc” sợ tết có lẽ được đội ngũ giáo viên trên khắp cả nước thuộc lòng nhất. Túi quà tết, tiền thưởng tết chỉ có tính chất an ủi cho đỡ tủi. Nhiều trường học hoàn toàn xa lạ, ngỡ ngàng với lương tháng thứ 13.

- Thế giới rất sợ con số 13 đầy rủi ro, nguy hiểm, thế mà các nhà giáo lại “đỏ mắt” mong đợi tháng lương thứ 13 mà không được.

- Tôi thiển nghĩ, thưởng tết là văn hóa Á Đông. Không nên gọi là thưởng tết mà gọi là tiền tết. Tiền mà ai cũng đều có thì không thể gọi là thưởng. 

- Đúng quá rồi, quanh năm bạc mặt, kiệt sức, vắt tới giọt mồ hôi cuối cùng mà cứ dài cổ ngóng như thể chờ được “ban phát” thưởng tết, nghĩ mà cám cảnh.

- Một số chuyên gia khoa học xã hội đứng về phía số đông người lao động lên tiếng: phải nâng lên thành “văn hóa thưởng tết”, thành chính sách phải “luật hóa”.

- Thôi, cái gì cũng dán mác “văn hóa” vào cho sang làm gì. Tất nhiên, cái “bánh tết” không thể chia đều, người lao động chỉ mong được một mẩu vụn thôi cũng quý.