Một “mẩu bánh” thu nhập

ANTĐ - Năm hết Tết đến, các bộ, các ngành đều rộn ràng hội nghị tổng kết, liên hoan. Đâu đâu cũng râm ran chuyện lương, thưởng Tết, sốt hết cả ruột gan. Bên tách trà suông, tôi với ông cũng “tổng kết” xem một năm qua ta “gặt hái”, thu nhập như thế nào.

- Trong cùng một “cái bánh thu nhập” thì 20% người giàu được “xơi” tới 60%, người khá giả được “xơi” 16,6%, còn người nghèo chỉ được 4,3%.

- Ông moi đâu ra “cái bánh thu nhập” đó, rồi lại “cầm dao” chia phần chi ly, chi tiết đến vậy?

- Xin thưa ông, “cái bánh” đó chính là chất lượng cuộc sống vừa được Viện Nghiên cứu phát triển mới công bố.

- Khi thu nhập tăng lên thì đương nhiên chất lượng cuộc sống đi lên. Khoảng cách giàu - nghèo tất yếu cũng doãng rộng ra và sâu hoắm hơn, quy luật muôn đời mà, xã hội nào chẳng thế.

- Vẫn biết thế, nhưng cuộc điều tra cho thấy, dù giàu hay nghèo, dù khác nhau về thu nhập và hưởng thụ, họ đều cùng bị ba yếu tố tác động đến cuộc sống. 90% cho rằng đạo đức xã hội ngày càng suy giảm, ô nhiễm môi trường; chỉ có 36% hài lòng với công việc hiện tại và dưới 50% hài lòng với cuộc sống gia đình.

- Cùng sống dưới một vòm trời, cùng hít thở một bầu không khí chẳng khác gì những con cá, tôm cùng bơi lội, kiếm ăn trong một hồ nước, thì làm sao không bị ảnh hưởng được?

- Có cá lớn, cá bé, có cả tôm, tép lại sống ở những tầng nước khác nhau, chắc chắn chất lượng sống phải khác nhau chứ?

- Tưởng thế thôi! Điều tra xã hội học cho thấy, “người giàu cũng khóc” dù đời sống vật chất cao ngất, song tinh thần “có vấn đề”: dễ bị căng thẳng, áp lực cao do xung đột công việc. Đặc biệt, thiếu cả tri thức và kỹ năng tiếp thụ văn hóa, nghệ thuật đích thực.

- Thôi ta là phận con tôm, cái tép chấp nhận một “mẩu vụn bánh” thu nhập còn hơn là xơi miếng to rồi căng thẳng, áp lực, xung đột.