Một lần đến Cửu Trại Câu

ANTĐ - Theo lời mời của anh bạn  cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), sau 2 giờ bay từ Nội Bài ( Hà Nội), máy bay hạ cánh xuống sân bay Quảng Châu chờ nối chuyến đi Thành Đô. Tôi gặp bạn, anh nhập đoàn cùng đi với tôi. 16h, chúng tôi đặt chân đến Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên, nghỉ qua đêm, sáng hôm sau bay sớm đi Cửu Hoàng để khám phá Cửu Trại Câu.

Hồ nước đổi màu 4 lần trong ngày

Cửu Trại Câu thuộc vùng cao nguyên Thanh Tạng, tỉnh Tứ Xuyên, có độ cao hơn nước biển 4.000 mét, từ năm 1992 đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, bởi vẻ đẹp mỹ lệ hiếm nơi nào trên thế giới có được. Đây là một quần thể nằm trong khu tự trị dân tộc Tạng A Bá và dân tộc Khương. Cửu Trại Câu là 9 cái trại của người Tạng bên dòng suối. Ngày xưa có 9 làng bản người gốc Tạng sinh sống tại đây. 9 cái trại trở thành 9 hồ nước do cấu tạo địa chất hình thành. Nước hồ trong xanh màu ngọc bích và đều nằm trên núi đá, bao bọc bởi bạt ngàn thông xanh, hông vàng, cây trắc lá đỏ tạo một bức tranh rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Vào tháng 10-11 trong năm, hàng vạn người kéo về  Cửu Trại Câu để được mê mẩn mục sở thị cùng một lúc 741.000 cây số vuông lá cây đổi màu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Vé vào cổng là 150 tệ, và khách di chuyển suốt ngày trong công viên rộng lớn bằng xe buýt, nơi du khách chiêm ngưỡng đầu tiên là hồ Hổ, mặt nước hồ trong suốt, phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh một rừng xanh lá đỏ. Du khách lại có thể mê đắm trước các thác nước muôn hình vạn kiểu, núi đá mọc đầy thông và trên cao, xa xa những rặng núi trắng đầy tuyết phủ.

Du lịch phát triển, bản sắc văn hóa của người Tạng không bị mai một. Ngược lại nhiều buổi diễn hằng đêm phục vụ khách du lịch ở Cửu Trại Câu đều do các chàng trai, cô gái người Tạng thể hiện rất điêu luyện những bài ca, điệu múa gợi nhớ nét hoang dã, du mục  trên thảo nguyên mênh mông.

Thành phố Lạc Sơn cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên nằm ở nơi hợp lưu của hai con sông Đại Độ và Thanh Y. Nước sông chảy hung dữ, gây ra nhiều tai nạn cho tàu thuyền qua lại. Đời nhà Đường có một nhà sư tên là Huệ Thông nảy ý định xây dựng tại vách đá ngã ba sông một bức tượng Phật Di Lặc cao 71m nằm sâu trong vách đá đỏ ven sông. Nhà sư đi quyên tiền khắp nơi, ông cùng dân chúng lao động cật lực suốt 10 năm trời, công việc còn dang dở thì Huệ Thông quy tiên. Ba đời vua Đường sau đó, huy động nhân tài, vật lực suốt 90 năm mới hoàn thành. Bức tượng Phật được xây nên như có phép màu đã làm giảm hẳn tai nạn thuyền bè qua khúc sông dữ. Trong ráng chiều sương khói bảng lảng, chúng tôi lên tàu ra giữa dòng sông, chĩa ống kính lên trời cao chụp toàn cảnh bức tượng khổng lồ có một không hai trên thế giới. Miệng bức tượng rộng 3m, tai dài 7m, năm ngón chân tượng đủ cho mấy chục người chen chân ngồi nghỉ.

Đến Cửu Trại Câu, không thể không đến Nga Mi Sơn có độ cao 2.977 mét. Lên Nga Mi Sơn, du khách phải làm thủ tục bắt buộc trình hộ chiếu. Đơn giản vì đường lên Nga Mi Sơn cheo leo, hiểm trở, nếu không may có mệnh hệ gì, còn có cơ sở đòi tiền bảo hiểm. Độc đáo của Nga Mi Sơn là có bức tượng Phổ Hiền Bồ Tát bốn mặt dát vàng. Thú vị trên đường đi bắt gặp từng đàn voi đá mời chào du khách vui vẻ leo núi. Trên đường về từng bầy khỉ chia tay quý khách. Khỉ ở Nga Mi Sơn giống to, biết uống rượu, hút thuốc lá nếu khách nhã ý mời.  Hễ sơ ý, khách bị khỉ lấy trộm kính, điện thoại di động, đồ dùng cá nhân… Khi khách phát hiện, khỉ đã leo tót lên ngọn cây cười khanh khách, tay trái xách đồ, tay phải gãi… chọc tức người bị mất của.