Một lần đến công an

ANTĐ - Tôi có hộ khẩu thường trú ở quận Đống Đa nhưng xây nhà và sống ở quận Thanh Xuân, đăng ký thường trú dài hạn đã hơn 10 năm nay ở đây. 

Hộ khẩu thường trú lâu nay cũng không mấy khi phải sử dụng, trừ khi có việc liên quan đến giấy tờ hành chính. Do vậy, tôi không quan tâm lắm. Đến nay, sắp đến tuổi nghỉ hưu, sinh hoạt Đảng không còn ở cơ quan nữa mà sẽ chuyển về nơi sinh sống. Cơ quan và bạn bè khuyên tôi phải chuyển hộ khẩu thường trú về quận Thanh Xuân cho tiện.

Nghĩ đến chuyện phải đến công an tôi thấy ngại bởi rất ít khi tôi có việc với công an. Tôi đến CAQ Thanh Xuân trong tâm trạng lo âu, cảnh giác và chờ đợi. Thôi thì cũng coi như một dịp để đi thực tế.

Trụ sở CAQ Thanh Xuân ở phố Vũ Trọng Phụng - bộ phận giải quyết các vấn đề hành chính ở riêng một phía, rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh và ngăn nắp. Phòng nào cũng có quạt, bàn làm việc để người dân kê khai, viết lách. Phòng nào cũng có ghế băng dài, sạch sẽ để người dân ngồi chờ.

Tôi vào văn phòng giải quyết cư trú trong lúc khá đông người chờ nhưng trật tự. Các cụm dân cư được chia thành từng ô. Người đến công việc sẽ tự mình đến cụm dân cư theo bảng hướng dẫn. Tiếp tôi là một nữ Trung tá, có đeo bảng tên, cấp hàm nhưng mắt tôi kém lại nghĩ không quan tâm chị là ai nên tôi không nhớ tên. Chị ôn tồn, nhã nhặn hướng dẫn tôi, hồ sơ bao gồm Hộ khẩu thường trú tại Đống Đa, Giấy chứng nhận Quyền sở hữu đất (Sổ đỏ) và phát cho tôi tờ khai.

Tôi chào chị ra về với tâm trạng băn khoăn. Chỉ có thế thôi ư? Chắc là mọi thứ như dư luận chưa xuất hiện đấy thôi. Hãy đợi đấy.

Hôm sau tôi đến, mang theo những thứ mà nữ cán bộ đã hướng dẫn. Lần này tiếp tôi là một nữ Đại úy, nhận hồ sơ của tôi với vẻ mặt niềm nở thân tình. Kiểm tra hồ sơ xong, chị nói: “Bác ơi, bác có mang theo giấy xác nhận số nhà nơi đang ở không, cho cháu xin”. Tôi trả lời: “Tôi ở nơi này đã 12 năm nay, có giấy xác nhận số nhà nhưng lâu rồi không sử dụng, chẳng biết thất lạc đâu mất”. Chị nói: “Cháu lập sổ hộ khẩu mới cho bác phải ghi đúng số nhà. Nếu không có, cháu phải ghi như trong “sổ đỏ” của bác. Nếu bác thấy cần thì về xin phường Hạ Đình xác nhận số nhà, nếu không thì thôi”. Tôi đồng ý sổ hộ khẩu ghi địa chỉ như trong “sổ đỏ”. Chị nhã nhặn nói: “Đáng lẽ ra, tuần sau cháu trả kết quả cho bác nhưng vì cơ quan cháu có lịch một số anh em sẽ đi nghỉ biển vào tuần này nên xin bác trả kết quả chậm vài ngày. Mong bác thông cảm cho”. Tôi trả lời không sao cả. Rồi chị đưa tôi giấy hẹn. Đọc tờ giấy hẹn, lúc này tôi mới biết nữ Đại úy này là Vũ Hoàng Yến.

Đúng hẹn, 14h ngày 17-7 tôi đến. Vẫn không tin mọi việc đơn giản thế. Đến nơi trả kết quả, hai cán bộ đã tiếp tôi trước đây niềm nở: “Mời bác nhận lại hồ sơ và hộ khẩu mới”.

Tôi nhận hộ khẩu mới trong sự ngạc nhiên: “Các chị cho tôi nộp lệ phí”. Đại úy Vũ Hoàng Yến nhìn tôi đáp: “Bác không phải nộp gì cả”. Chị cười “chỉ phải ký vào sổ lưu là bác đã nhận hồ sơ và hộ khẩu thôi”. Tôi cảm ơn các chị. Hóa ra mọi dư luận mà tôi nghe và lo lắng về công an là không phải.

Tôi muốn có lời cảm ơn trước thái độ phục vụ tận tình và chu đáo của Công an quận Thanh Xuân. Tôi xin gặp lãnh đạo. Tiếp tôi là Thượng tá Nguyễn Văn Nhuận trong một căn phòng chưa đến 10m2. Đồ đạc bàn ghế đơn giản nhưng lịch sự. Tôi cứ nghĩ văn phòng ông Phó Trưởng công an quận thì phải hoành tráng lắm. Hóa ra không phải. Ông niềm nở cho tôi biết: “Người dân đến làm việc, trời nắng nóng nên phòng làm việc của nhân viên chưa có điều hòa nhưng nơi tiếp dân phải có”. Tôi chợt nhớ ở phòng giải quyết cư trú, nơi tôi vừa nhận hộ khẩu mới, mát lạnh bởi có điều hòa. Trên bàn ông chất hàng đống hồ sơ. 

Tôi ra về, nhớ mãi.