Một Hà Nội thân thiện, mến khách và là điểm đến hấp dẫn, an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khép lại một ngày thăm chính thức Việt Nam với một chương trình nghị sự dày đặc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tới thăm phòng tranh trên phố Hàng Gai rồi thả bộ đến hồ Hoàn Kiếm, tận mắt thấy vẻ đẹp cũng như sự thân thiện mến khách của Thủ đô đất nước mà Đức xem như một điểm đến an toàn, là đối tác kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á.

Hòa bình, hữu nghị cùng phát triển

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam - Đức vào chiều tối 13-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm phòng tranh Thang Long Art Gallery nằm trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nổi tiếng cũng như các tác phẩm mới lạ của những họa sĩ trẻ tài năng Việt Nam. Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ Đức đi dạo từ phố Hàng Gai qua quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến dọc tuyến phố Đinh Tiên Hoàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chờ đón Thủ tướng Olaf Scholz ngay tại cổng đền Ngọc Sơn bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hai nhà lãnh đạo cùng đi trên cầu Thê Húc vào thăm đền Ngọc Sơn. Một thầy đồ tại đền Ngọc Sơn tặng Thủ tướng Olaf Scholz bức thư pháp với dòng chữ: “Hòa bình, hữu nghị cùng phát triển”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm

Thủ tướng Olaf Scholz là một trong các nhà lãnh đạo nước ngoài đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm, một địa danh lịch sử với truyền thuyết nổi tiếng cũng là một danh thắng nổi tiếng của Thủ đô, trong những ngày cuối thu đầu đông có thời tiết đẹp nhất trong năm. Cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cũng đã cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm đền Ngọc Sơn, dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Tổng thư ký Liên Hợp quốc sau khi được tặng 8 chữ thư pháp “Thế giới hòa bình - Nhân dân hạnh phúc” đã tỏ ra thích thú và dừng lại khá lâu trước 2 bàn cờ vua của các em nhỏ đang chơi ngay bên bờ hồ trong làn gió mát của của mùa thu Hà Nội, thành phố của hòa bình.

Việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Đức và nhiều vị nguyên thủ quốc gia, đứng đầu Chính phủ dạo bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, tham quan phố cổ Hà Nội, uống cà phê… phần nào cho thấy sự thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô. Đồng thời, hình ảnh các vị lãnh đạo thế giới thong thả dạo phố ở Hà Nội là minh chứng sống động về một Thủ đô bình yên, an ninh và an toàn.

Điều này có thể thấy qua sức hấp dẫn của Thủ đô với du khách và nhà đầu tư quốc tế những tháng đầu năm nay, sau khi Hà Nội cùng với cả nước kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng đưa mọi mặt hoạt động kinh tế, xã hội, dịch vụ trở lại bình thường. 10 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng chú ý là khách du lịch quốc tế đạt gần 983.000 lượt khách, gần đạt được chỉ tiêu đề ra của năm 2022. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 10 tháng qua đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch của thành phố Hà Nội trong 10 tháng đầu năm đạt 43,69 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã thu hút được 1,28 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đăng ký cấp mới 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 573 triệu USD; 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.

Mở ra tương lai hợp tác tươi sáng

Có lẽ việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz tham quan phòng tranh trên phố cổ, đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm không phải ngẫu nhiên. Trước đó, ông và phu nhân đã từng đi du lịch Việt Nam (khoảng thời gian 2014-2015) và cảm thấy yêu thích ẩm thực Việt Nam, trong đó có món phở. Ông hay đến thưởng thức các nhà hàng Việt Nam tại Hamburg, Đức. Trong các phát biểu nhậm chức (tháng 12-2021) và tại Hội nghị Cấp cao G7 (từ ngày 26 đến 28-6-2022), Thủ tướng Olaf Scholz đều nhắc đến Việt Nam như một đối tác quan trọng, giàu tiềm năng mà Đức muốn tăng cường hợp tác.

Mong muốn của Thủ tướng Olaf Scholz cũng chính là mong muốn từ phía Việt Nam với Đức, đối tác chủ chốt của nước ta trong Liên minh châu Âu (EU). Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, từ đầu tư - kinh doanh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đến an ninh - quốc phòng, hợp tác giữa các địa phương… Trong đó, hợp tác thương mại và đầu tư là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Sau hơn 10 năm triển khai Đối tác chiến lược, thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp đôi.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của ta sang EU. Đức cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.

Theo thống kê của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đức năm 2021 đạt 11,22 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9-2022, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt trên 9,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2021 (theo thống kê của Đức thì con số này còn cao hơn, đạt 12,16 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022).

Hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Siemens, B.Braun, Messer, Mercedes-Benz, Bilfinger, Bosch, Deutsche Bank, Allianz... Tính đến tháng 8-2022, Đức có 431 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,31 tỷ USD, đứng thứ 4 trong EU và thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 36 dự án đầu tư sang Đức, với tổng vốn đăng ký là 283,3 triệu USD.

Việt Nam, Thủ đô Hà Nội qua chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz càng nổi bật như là một điểm đến thân thiện mến khách, an toàn và tin cậy cho những bạn bè, du khách cũng như các nhà đầu tư Đức và thế giới. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong những lĩnh vực quan trọng như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng xanh và tái tạo, đào tạo nghề và giáo dục, công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo, chế biến sản phẩm nông nghiệp, y học, dược, hóa chất, các dự án quan trọng sử dụng vốn ODA của Đức... cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm như hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông, khủng hoảng năng lượng, các cuộc xung đột và điểm nóng trên thế giới...

Chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz tới Việt Nam vì thế là dấu ấn đậm nét, mở ra một chương mới tươi sáng trong quan hệ hợp tác và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, là cột mốc khẳng định hai nước đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, thách thức đối với việc phát triển quan hệ song phương thời gian qua, trong đó một phần gây ra bởi dịch bệnh cũng như tình hình phức tạp của khu vực và thế giới, thể hiện cam kết và quyết tâm chung tay đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.