Một giải bóng đá rất... Hà Nội

ANTĐ - Vậy là: Giải Bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô đã sang “Tuổi 12”, bằng tuổi “Giải Bóng đá VĐQG chuyên nghiệp Việt Nam”. Dẫu rằng, đây chỉ là một “Giải bóng đá phong trào”, song nó đã có một “bề dày lịch sử”, một nét đẹp rất riêng, độc đáo và “rất Hà Nội”.

Và mỗi khi nhắc đến giải bóng đá đẹp ấy, chẳng riêng “giới trẻ”, học sinh hứng thú, mà ngay các bậc phụ huynh, thầy cô giáo đến Ban Giám hiệu các nhà trường đều quan tâm. Giải bóng đá như “luồng gió mới” hòa cùng “tiếng trống trường” mỗi khi “năm học mới” bắt đầu. Một không khí sôi động, một cuộc tuyển lựa diễn ra cấp tập để chọn “nhân tài” cho đội bóng nhà trường. Vui - hào hứng - sôi động - đầy tự hào.

Vì sự nghiệp “Trồng cây - Trồng người” và việc giáo dục toàn diện “Trí - Đức - Thể - Mỹ”, Báo An ninh Thủ đô đã là “người cầm lái” suốt 11 năm qua và năm nay năm thứ 12 tiếp tục “tiến quân trên đường dài”. Kể từ cái thuở ban đầu, những người khởi xướng nổ “pháo lệnh” mở đầu cho cuộc “xuất phát” một giải bóng đá phong trào đầy tính nhân văn này, mang một trách nhiệm, sự tự hào cùng bầu nhiệt huyết vì thế hệ trẻ của Thủ đô Hà Nội. Đó là tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên - biên tập viên - phóng viên. Từ Tổng Biên tập Đào Lê Bình, đến các Phó Tổng biên tập Vũ Kim Thành, Nguyễn Trọng Nghĩa, An Văn Huân, Nguyễn Thanh Bình. Những “thuộc cấp”: Mai Thế Hưng, Hoàng Dũng, Việt Anh, Phi Điệp, Thuần Thư, rồi “nhiếp ảnh viên” Phú Khánh, quay phim Minh Quân đến các đồng chí bảo vệ. Họ đều có một tấm lòng say mê, tâm huyết, trách nhiệm và sự tự hào sẵn có trong tình yêu với Hà Nội. Có lẽ nên dùng từ “nhân văn” mà bản thân tôi - người viết bài này, một cựu cầu thủ bóng đá Hà thành cũng thấy ấm lòng và cảm động trước trách nhiệm của các anh, các chị ở tòa soạn Báo An ninh Thủ đô.

Căn phòng rộng chừng 50-60m2 tầng 4 được gọi là “hội trường” tại 82 Lý Thường Kiệt - trụ sở Tòa soạn Báo An ninh Thủ đô. Nơi “tổng hành dinh” diễn ra biết bao cuộc họp, lễ bốc thăm, tiếng reo vui, sự tiếc nuối “may, rủi” cùng những “góp ý” chân tình, xây dựng, những sáng kiến - vinh danh các nhà tài trợ. Sự “chỉ đạo” sâu sát, cụ thể, ân tình, tâm huyết của lãnh đạo thành phố, các ngành Giáo dục - Đào tạo - Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - Liên đoàn Bóng đá Hà Nội.

 Mùa giải “đầu tiên” 2001 khai mạc tại sân vận động Quán Thánh. Chỉ có 31 trường THPT tham dự đã thành công ngoài mong đợi. Mùa giải lần thứ 12 năm nay là 43 trường THPT. Đặc biệt nhân dịp 1.000 năm Thăng Long số trường THPT đã tăng lên con số kỷ lục 48 trường (giải lần thứ 10 -2010). Đến nay, đã có 89 số lượt trường THPT tham gia “Giải Bóng đá học sinh THPT - Báo An ninh Thủ đô”. Các trường: Trần Phú, Việt Đức, Đống Đa, Trần Nhân Tông, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, Trương Định, Phan Huy Chú là những trường THPT suốt 11 mùa giải “không hề vắng bóng”.

Các sân vận động Quán Thánh, Hoàng Cầu, Đại học Thủy Lợi, Long Biên, Tây Hồ… Đặc biệt SVĐ Hàng Đẫy nơi diễn ra các trận đấu vòng chung kết luôn sôi động với sự có mặt của hàng nghìn học sinh, cổ động viên, thầy cô giáo, Ban giám hiệu các trường và cả các phụ huynh đều có mặt để cổ vũ, để reo hò, để vang lên những tiếng hò reo thật nồng nhiệt, hết mình. Cho dù trời mưa hay nắng, hoặc gió mùa đông bắc nhưng trận bóng đá học trò từ vòng loại đến vòng chung kết luôn là ngày hội ký ức tuyệt vời thật khó quên đối với mỗi người và đây chính là nơi “nối vòng tay lớn” qua mỗi mùa giải bóng đá học sinh THPT - Báo An ninh Thủ đô. Những trận đấu, những cuộc đọ sức so tài vì màu cờ, sắc áo thật hấp dẫn, quyết liệt, song nét đẹp văn hóa của giải đấu cũng thật ấm áp, nghĩa tình và thật đáng tự hào. Chính nét đẹp văn hóa này đã làm nên một giải đấu đẹp, giải đấu của những học sinh Hà Nội.

Đóng góp quan trọng cho sự thành công của “Giải Bóng đá học sinh PTTH Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô” phải nhắc đến các nhà tài trợ, họ đã mang trái tim vui đến với “Sân bóng học trò”. Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, một nhà Đài đã đồng hành cùng với giải suốt những năm qua để tường thuật trực tiếp các trận đấu chung kết. Tường thuật viên đã truyền cảm xúc đến người xem qua màn ảnh nhỏ những phút giây hồi hộp, ngẫu hứng, những vui, buồn trên sân bóng, trên khán đài qua mỗi mùa giải.

Đến nay nhiều thế hệ cầu thủ học sinh đã ra trường vào đại học, du học nước ngoài hoặc trở thành những cán bộ công nhân viên, lớp tri thức trẻ trong các đơn vị, cơ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang. Các em, dẫu sao vẫn không quên một thời đi học và đá bóng của mình.

Mỗi mùa giải bóng đá học sinh THPT - Báo An ninh Thủ đô qua đi. Biết bao kỷ niệm, biết bao dấu ấn mang nghĩa tình bạn hữu, đồng chí, bạn bè, thầy, cô mà niềm vui nỗi nhớ vẫn cứ còn lại mãi. Chúng ta nào có quên những người đã gắn bó với giải, có những người đã mất  như Trọng tài Trường Xuân - anh đã đi xa và không còn được gặp lại trên sân bóng. Nhưng mỗi một mùa bóng mới bắt đầu là mọi người lại nhắc đến tên anh. Rồi anh  Hà Văn Canh (Trưởng phòng TDTT quần chúng - Sở TDTT Hà Nội) anh được gọi là “chuyên gia” khai mạc - bế mạc khi mỗi mùa giải đến. Anh Ngô Xuân Quýnh cựu cầu thủ Thể Công - Phó ban bóng đá phong trào (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) người vô cùng quan tâm tới bóng đá học sinh trung học Hà Nội bởi đây là “vườn ươm” nhân tài cho bóng đá Thủ đô mà không mùa giải nào anh  thiếu vắng. Có người bệnh tật nên cũng không làm nhiệm vụ giám sát kể từ mùa giải lần thứ 11 (2011) đó là cựu cầu thủ Công an Hà Nội Nguyễn Ngọc Điệp.

Nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành là những người đầy tâm huyết, gắn bó với bóng đá học sinh của Báo An ninh Thủ đô. Giờ đây có người đã nghỉ theo chế độ, có người vẫn đang công tác, song qua báo chí, truyền hình, các anh vẫn giành những tình cảm tốt đẹp nhất cho bóng đá học sinh. 

Giải Bóng đá học sinh THPT - Báo An ninh Thủ đô” năm học 2012-2013 lần này bước sang “tuổi 12” và mãi mãi là một giải đấu đẹp như ông Phan Anh Tú - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội đã nói: “Ý nghĩa của bóng đá là sự cống hiến”. 

Sau 11 mùa giải đi qua, trước sự háo hức và chờ đợi của hàng nghìn học sinh Thủ đô, sáng nay 7-10, lễ khai  mạc  Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội lần thứ 12 Cúp nền móng sông Đà  - Thăng Long sẽ diễn ra tại sân vận động Trung tâm TDTT quận Tây Hồ, Hà Nội. Giải năm nay có sự tham dự của 43 đội bóng đến từ các trường THPT Hà Nội hứa hẹn những màn tranh tài sôi động và hấp dẫn. Ngay sau lễ khai mạc giải, các đội sẽ bước vào lượt trận đầu tiên bắt đầu từ 8h00.

Lịch thi đấu cụ thể: 

8h00:
Sân 1: Bảng A: THPT Yên Hòa - THPT Lý Thường Kiệt
Sân 2: Bảng H: THPT Việt Nam Ban Lan - THPT Lomonoxop
Sân 3: Bảng G: THPT Thượng Cát - THPT Phùng Khắc Khoan
Sân 4: Bảng D: THPT Hoàng Văn Thụ - THPT Nguyễn Gia Thiều
Sân 5: Bảng E: THPT Trần Hưng Đạo - THPT Đoàn Kết (HBT)
9h00: 
Sân 1: Bảng I: THPT Chuyên Ngữ - THPT Tân Lập (Đan Phượng)
Sân 2: Bảng K: THPT Việt Đức - THPT Trương Định
Sân 3: Bảng K: THPT Đống Đa - THPT Mai Hắc Đế
Sân 4: Bảng D: THPT Trần Nhân Tông - THPT Đại Mỗ
Sân 5: Bảng I: THPT Đoàn Thị Điểm - THPT Lý Thái Tổ
13h45:
Sân 1: Bảng G: THPT Nguyễn Tất Thành - THPT Alfred Nobel
Sân 2: Bảng B: THPT Lê Quý Đôn - THPT Trần Phú
Sân 3: Bảng A: THPT Quang Trung - THPT Chu Văn An
Sân 4: Bảng C: THPT Thực Nghiệm - THPT Phan Huy Chú
Sân 5: Bảng L: THPT Đinh Tiên Hoàng - THPT Albert Eistein
14h45: 
Sân 1: Bảng C: THPT Nguyễn Thị Minh Khai - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Sân 2: Bảng H: THPT Hermann Gmeiner - THPT Phan Bội Châu
Sân 3: Bảng E: THPT Hoàng Cầu - THPT Newton
Sân 5: Bảng L: THPT Trần Quốc Tuấn - THPT Kim Liên.