Một điểm đến bình yên

ANTĐ - Là địa bàn có địa hình phức tạp, tập trung đồng bào các dân tộc Mường, Dao sinh sống nhưng trong những năm qua, tình hình ANCT - TTATXH trên địa bàn huyện Ba Vì luôn được giữ vững. Yếu tố then chốt góp phần làm nên thành tích đó được bắt nguồn từ hiệu quả của phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các dân tộc ít người”.

Tich cực trao đổi thông tin, cùng đồng bào dân tộc ít người phát triển kinh tế

là phương pháp giúp CAH Ba Vì giữ vững ANTT địa bàn

Ông Hà Xuân Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, với mong muốn xây dựng thêm một điểm đến bình yên cho Thủ đô Hà Nội, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, phát triển phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ” theo các hình thức mới, phù hợp với thực tế địa bàn. Trong 5 năm qua, các mô hình liên kết an ninh trật tự; tự quản trong các dòng họ, tự quản tại các khu du lịch hay khu dân cư… đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ quần chúng nhân dân. Hàng loạt phong trào, mô hình tự quản về an ninh trật tự tiếp tục được duy trì, nhận rộng. Điển hình như mô hình “Tiếng mõ an ninh” của đồng bào Dao ở xã Ba Vì, mô hình “Tiếng kẻng bình yên” của đồng bào Mường ở xã Ba Trại…

Theo ông Hưng, “bí quyết” làm nên những chuyển biến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các dân tộc ít người” là việc đã sân khấu hóa công tác tuyên truyền. Sau những đêm giao lưu nghệ thuật có chủ đề như: “Chung một dòng sông”, “Giao lưu phòng chống tội phạm của đồng bào Kinh, Mường, Dao dưới chân núi Tản”… nhiều nội dung tuyên truyền đã được quần chúng nhân dân đón nhận nhờ sự kết hợp, xen lẫn trong những tiết mục biểu diễn cồng chiêng trầm hùng của đồng bào Mường hay những điệu múa Chuông đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Dao.

Đại tá Lê Quang Kha - Trưởng Công an huyện Ba Vì cũng chia sẻ, để phong trào luôn có sức sống, tiếp tục thu hút được quần chúng tham gia, lực lượng công an còn xây dựng các kế hoạch nhằm phát huy vai trò của các vị già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc ít người. Con số hơn 5.000 nguồn tin có giá trị được quần chúng nhân dân cung cấp cho cơ quan công an trong suốt 5 năm qua, cùng sự phối hợp, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân đã cho thấy sức lan tỏa của mô hình “Toàn dân bảo vệ ANTQ” ở vùng quê miền núi này.

Còn nhớ năm 2006, việc sử dụng một số loại súng săn tự chế diễn ra phổ biến tại các xã tập trung đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Nhờ làm tốt công tác phối hợp với các già làng, trưởng bản, Công an huyện Ba Vì đã tuyên truyền, vận động để đồng bào tự giác giao nộp 27 khẩu súng săn tự chế cùng hàng trăm dụng cụ dùng để săn bắt thú rừng. Cũng từ thời điểm đó, người dân địa phương đã tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường; không tự khai thác gỗ trong lâm phần quốc gia đồng thời tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Hay như trong “mảng” phòng, chống tội phạm về ma túy, trong 5 năm qua, tại các xã miền núi của huyện Ba Vì chỉ phát hiện thêm 5 người nghiện mới. Hiệu ứng từ phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các dân tộc ít người” còn tạo điều kiện để một số xã có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao như Ba Vì, Tản Lĩnh… hoàn thành mục tiêu “xóa trắng” tệ nạn ma túy từ nhiều năm nay.

Tin cùng chuyên mục