Một di tích, hai bằng chứng nhận

(ANTĐ) - Xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có 2 đình Kim Trang Đông và Kim Trang Tây cùng thờ 2 nhân thần nổi tiếng xưa kia. Cả hai đình đều được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đình Kim Trang”. Nhưng chính từ đó, mâu thuẫn nảy sinh khiến lễ hội truyền thống bị lãng quên  gần 20 năm nay...

Vụ tranh chấp hy hữu tại Hải Dương:

Một di tích, hai bằng chứng nhận

(ANTĐ) - Xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có 2 đình Kim Trang Đông và Kim Trang Tây cùng thờ 2 nhân thần nổi tiếng xưa kia. Cả hai đình đều được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đình Kim Trang”. Nhưng chính từ đó, mâu thuẫn nảy sinh khiến lễ hội truyền thống bị lãng quên  gần 20 năm nay...

Di tích được xếp hạng quốc gia

Sau nhiều biến cố lịch sử và dư địa lý, xã Kim Trang đã tách ra trong đó có 2 thôn: Kim Trang Tây (thôn Tây) và Kim Trang Đông (thôn Đông) thuộc xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương như hiện nay. Cả hai thôn đều thờ cúng 2 vị Thần Thành Hoàng là Đức Thánh Cả và Trương Phu Duyệt. Đình thôn Đông còn hai long ngai (ghế của tượng) và 3 sắc phong bản chính (có dấu “Sắc mệnh chi bảo” của thời các vua nước ta khi sắc phong cho Thần Thành Hoàng); đình thôn Tây còn 2 pho tượng Đức Thánh Cả và Đức Trương Phu Duyệt và 5 sắc phong bản sao.

Đầu năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao lúc bấy giờ đã cấp bằng xếp hạng “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đình Kim Trang” theo đúng hồ sơ trình duyệt của Bảo tàng Hải Hưng (tỉnh Hải Hưng cũ). Người dân hai thôn đã họp nhau lại và nhất trí, rước bằng về đình Tây 30 phút rồi rước về đình Đông treo ở đó khi nào đến lễ hội truyền thống rước luân phiên tượng và bài vị sẽ tổ chức “đổi lại” tượng và bằng giữa hai đình để hai bên thờ cúng.

Đình Kim Trang Tây có tượng và 5 sắc phong bản sao
Đình Kim Trang Tây có tượng và 5 sắc phong bản sao

Nhưng bỗng nảy sinh ý kiến cho rằng, hồ sơ xin cấp bằng là của đình Tây chứ không phải của đình Đông nên bằng xếp hạng trên là của đình Tây. Chính vì ý kiến cá nhân đó đã nảy sinh mâu thuẫn chung giữa hai thôn khiến lễ hội như dự kiến đã không được tổ chức.

Đến năm 1996, thôn Tây bỗng dưng được Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục cấp một bằng chứng nhận “y hệt” tấm bằng di tích văn hóa mà thôn Đông đang giữ. Như vậy, thôn Tây đương nhiên có cả bằng và tượng. Dân thôn Tây thì hả hê, còn dân thôn Đông thì bực tức khiến cho mâu thuẫn giữa hai thôn sâu thêm.

Câu chuyện nào giữa người dân hai thôn, nếu đề cập đến chủ đề bằng di tích, đình làng đều sẽ dẫn đến kết cục lời qua tiếng lại. Dựa vào tấm bằng được cấp lần 2, thôn Tây đã kiến nghị về việc hai pho tượng đình đang thờ không liên quan gì đến việc thờ cúng chung. Còn dân làng Đông thì bực tức vì không có tượng thờ nên thậm chí “ép” các cán bộ thôn phải tự từ chức nếu không đòi được tượng về!

Đình Kim Trang ở đâu?

Nhưng dù vậy, việc tổ chức lễ hội của 2 đình vẫn là nét văn hóa truyền thống nên xã Lam Sơn đã trình UBND huyện và cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương khôi phục lại lễ hội truyền thống vào ngày 15-2 (âm lịch) năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 15 năm di tích đình Kim Trang được xếp hạng quốc gia. Sau khi được các cấp đồng ý, xã Lam Sơn bắt đầu tổ chức thì gặp nhiều tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Khi tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân thì một số cá nhân phản đối khiến ý định tốt đẹp không thực hiện được.

Đình Kim Trang Đông có 2 long ngai và 3 sắc phong bản chính
Đình Kim Trang Đông có 2 long ngai và 3 sắc phong bản chính

Ông Phạm Văn Thảo - Phó Chủ tịch xã Lam Sơn cho biết: “Việc khảo sát cấp bằng di tích lịch sử lần thứ nhất được thực hiện ở đình Kim Trang Tây và có lưu trong hồ sơ của xã. Nhưng việc cấp bằng lần 2 (hiện đình Kim Trang Tây đang giữ) sau 4 năm cả huyện và xã đều không có hồ sơ lưu. Hơn nữa, việc 2 bằng chứng nhận cùng một Quyết định số 97 từ năm 1992 khiến bản thân chúng tôi cũng khó trả lời khi dân khiếu nại và thắc mắc. Cho nên việc dự kiến tổ chức lễ hội năm 2007 phải dừng lại”.

Thấy xã lúng túng trong cách giải quyết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương vào cuộc để thanh tra lại toàn bộ sự việc. Sở này mời cả một số nhà nghiên cứu sử nổi tiếng của Trung ương về xã Lam Sơn để tìm hiểu lại lịch sử về 2 đình. Sau thời gian dài tìm hiểu nghiên cứu, đến ngày 16-7-2008, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã công bố Kết luận số 620/KL-TTr về việc hai thôn thờ chung và tổ chức lễ hội rước luân phiên 2 vị nhân thần là truyền thống cần thiết phải tiến hành.

Cũng tại bản kết luận này, Sở cho rằng việc cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cho hai đình trên có nhiều sai sót: Đình Kim Trang thời điểm đó không còn tồn tại, việc cấp bằng với địa danh đình Kim Trang hoàn toàn không đúng với thực tế! Vì lúc đó, xã Kim trang đã tách thành 2 thôn Kim Trang Tây và Kim Trang Đông.

Hơn nữa, đoàn khảo sát di tích lúc đó chỉ khảo tả và thể hiện trên hồ sơ về đình Kim Trang Tây, không có hồ sơ của đình Kim Trang Đông. Chính sai sót trên đã dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện gây bất hòa giữa hai thôn là có cơ sở. Đồng thời, Sở cũng kiến nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành văn bản thu hồi 2 bằng trên, xem xét cấp bằng lại theo đúng quy định.

(Còn nữa)

Nguyễn Thủy