Một cuốn sách vừa là thơ, vừa là sách học

(ANTĐ) - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ  Đông Tây, Nhà  xuất  bản  Thế  giới  vừa liên kết  xuất  bản xong cuốn  A.Puskin – Thơ trữ tình song ngữ Nga Việt của nhà giáo -  dịch giả Vũ  Thế  Khôi biên soạn, nhân kỷ niệm 209 năm ngày sinh của Đại thi hào A.Puskin.

Một cuốn sách vừa là thơ, vừa là sách học

(ANTĐ) - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ  Đông Tây, Nhà  xuất  bản  Thế  giới  vừa liên kết  xuất  bản xong cuốn  A.Puskin – Thơ trữ tình song ngữ Nga Việt của nhà giáo -  dịch giả Vũ  Thế  Khôi biên soạn, nhân kỷ niệm 209 năm ngày sinh của Đại thi hào A.Puskin.

Tác giả cuốn sách có ý tưởng làm nó từ một cuộc  thi đọc thơ lớn. Ấy là vào năm 1999, khi UNESCO quyết định toàn thế giới cùng  kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nga Alecxandr Puskin và tổ chức một cuộc thi quốc tế về đọc thơ Puskin được tổ chức tại Mátxcơva.

Những người đã học tiếng Nga đều biết, luật thơ Nga luân chuyển đều đặn âm tiết mang trọng âm và âm tiết không mang trọng âm. Trọng âm không có vị trí cố định, lại có thể chuyển dịch khi biến đổi từ - gây nhiều khó khăn cho người học tiếng Nga, càng nan giải cho người tập đọc thơ Nga. Đọc thơ Nga mà sai trọng âm thì chẳng khác gì đọc sai luật bằng - trắc trong thơ lục bát tiếng Việt, không còn gì là thơ nữa.

Vì vậy, rất nhiều học trò cũ (nay đã là thầy cô giáo ở một số tỉnh thành) đã gọi điện tới nhờ ông Vũ  Thế  Khôi - người có ngót 40 năm dạy tiếng Nga - gửi cho những bài thơ của Puskin nguyên tác tiếng Nga, có đánh trọng âm để giúp học sinh luyện đọc, chuẩn bị tham gia kỳ thi. 

Lúc ấy ông Khôi - mới "phát hiện" rằng tổ tiên ta học Hán văn qua thơ Đường, thạo tiếng Pháp nhờ thơ ca Pháp của V. Hugo, Lamactanh, Pôn Véclanh, Bôđơle... Nhưng từ hồi  khai giảng khóa chính trị - xã hội đầu tiên có dạy 2 ngoại ngữ Nga và Anh (tháng 11-1945 ở giảng đường đại học 14 Lê Thánh Tông), tức là khi tiếng Nga được chính thức giảng dạy tại nhà trường Việt Nam, tới nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng Việt  Nam chưa hề xuất bản tập thơ song ngữ Nga - Việt nào dành riêng cho người tập đọc và học tiếng Nga.

Thế là ông Khôi gấp gáp sưu tập hơn chục bài thơ nổi tiếng nhất của Puskin, tự chế bản song ngữ Nga - Việt trên máy vi tính, đánh trọng âm bằng tay, kịp gửi tặng theo yêu cầu. Và công việc ấy đã gợi ý cho ông làm tuyển tập thơ A.Puskin – Thơ trữ tình song ngữ Nga Việt.

Tuyển tập thơ song ngữ đầu tiên được ông Vũ Thế Khôi biên soạn theo phương thức: Các bài thơ đều kèm theo vài bản dịch, một số ít bài có 1 bản dịch là do chưa sưu tầm được bản thứ 2. Thứ tự in các bản dịch bố trí theo trình tự thời gian được công bố chính thức hoặc lưu truyền rộng rãi, không hàm ý đánh giá người biên soạn. Cách làm này giúp người có nhu cầu đọc, học thơ Nga tiếp cận nguyên bản đa dạng hơn, cung cấp tài liệu cho việc học, đọc văn học hình thức và thủ pháp chuyển dịch khác nhau.

Tuyển tập phản ánh đầy đủ các chủ điểm cơ bản trong thơ trữ tình của A. Puskin quy định tại chương trình đào tạo của các khoa tiếng Nga, mở rộng "cung bậc", đa dạng môtip của mỗi chủ điểm... giúp bạn đọc tìm hiểu sâu thêm một nhân cách phong phú, đại tài và cũng đa tình - như chính nhà thơ tự nhận.

Tuyển tập cũng không đóng khung trong số bài thơ kinh điển in trong các sách, mà gắng giới thiệu những khía cạnh mới từ kết quả nghiên cứu về A. Puskin những năm cuối thế kỷ qua trong "Puskin học" ở Nga và trên thế giới. Ví như các bức thư của Dantes, viên sĩ quan cận vệ Pháp từng si mê và rắp tâm quyến rũ Natalia Gontrarova Puskina (vợ Puskin), được chắt nội của y cho phép "nhà Puskin học" người Italia là bà Serena Vitale công bố, đã minh oan được cho "giai nhân cố đô số 1 Mátxcơva thời ấy" và cảm nhận lại những bài thơ tình mà nhà thơ viết tặng nàng.

Phần "Chú và Bình" không giải thích từ mới như các sách thường làm thay cho người học bởi kinh nghiệm cho thấy, chỉ những từ nào mình tự mầy mò tra cứu thì mới hiểu kĩ và nhớ lâu. Phần "Chú" chỉ cung cấp bối cảnh ra đời của bài thơ, giúp bạn đọc thâm nhập ý tứ ẩn sau câu chữ. Phần "Bình" chỉ đưa ra đối với một số bài, như gợi mở khía cạnh đáng tiếp tục ngẫm nghĩ và có thể tán đồng hoặc phản bác - nhằm  thúc đẩy sự tìm hiểu.

Ông Khôi cho biết rất mong nhận được các ý kiến phê bình của đồng nghiệp, của học trò, cũng như của tất cả những ai yêu thích thơ ca Nga. Sách còn có sai sót, vụng về, nhưng tác giả đã cố gắng kết hợp mục đích sư phạm với giới thiệu danh nhân văn hóa cho tập thơ song ngữ, phục vụ học sinh, sinh viên và giáo viên chuyên ngành tiếng Nga và người yêu thích tiếng Nga. 

Trong tuyển tập, các nguyên tắc tiếng Nga đều có đánh dấu trọng âm, phục vụ việc tập đọc, học thuộc lòng để phát âm chính xác, nhớ từ và cấu trúc, rất thuận lợi cho những ai thích đọc diễn cảm thơ Nga, tham gia giao lưu với bạn bè Nga, hay tự thưởng thức một nền thơ ca giầu nhạc điệu bậc nhất thế giới.

Hà Dương