Một chiều xuôi dòng Hương Giang

ANTĐ - Điệu hò đưa đẩy, nhịp chèo khoan thai trên dòng Hương Giang ở xứ Huế đã làm nên những tác phẩm thi ca, nhạc, họa bất hủ, đó còn là cảm hứng để các tao nhân mặc khách quyến luyến “Huế mộng, Huế mơ”. Sông Hương không chỉ đẹp bởi nét thiên nhiên hoàn mỹ, sông còn đẹp bởi dấu ấn con người xứ Huế, đẹp bởi dòng sông lưu giữ biết bao những thăng trầm của vùng đất cố đô.
Một chiều xuôi dòng Hương Giang ảnh 1

Một chiều nghiêng nắng trên dòng Hương Giang, thong thả theo nhịp thuyền câu xuôi theo dòng nước. Mặt trời lóng lánh dát vàng từng lớp sóng. Những lầu đài lăng tẩm, đình miếu xóm làng, thành quách chùa chiền ẩn hiện phía sau những rặng dừa. Những gì là hồn cốt, là lời tâm tình của Huế đều trải theo hai bên bờ dòng sông thơ mộng. Huế và Hương Giang hòa quyện trong một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Thuyền từ Ngã Ba Tuần về phố cổ Bao Vinh. Hương Giang như huyết mạch của kinh đô xưa chảy xuyên vào những con phố nhuốm màu thời gian trầm mặc. Xuôi qua cồn Hến, qua cồn Dã Viên, qua bến chợ Đông Ba, nơi từng một thời là đầu mối giao thương lớn của kinh thành, nơi thương lái đổ về mua bán, trao đổi hàng hóa với những người bán buôn tại chợ. Cứ như thế dòng xuôi qua hết Cố đô xưa mang sức sống đến cho một thời kinh đô sân vàng điện ngọc.

Thuyền qua điện Hòn Chén. Chuyện rằng xưa kia, núi Ngọc Trản có tên là Hương Uyển Sơn. Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Nên từ đó, hòn núi được đặt tên Ngọc Trản (núi Chén Ngọc) mà dân gian thường gọi là Hòn Chén. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.

Ngang qua đồi vọng cảnh bên tả ngạn. Dừng thuyền ghé vào bến chùa Thiên Mụ bên hữu ngạn. Ngơi tay chèo, thong thả dạo bước trong ngân nga tiếng chuông chùa chen đùa trong tiếng lao xao của rừng phi lao xanh. Cảm nhận không gian trầm mặc, thanh cao thoát tục. Thăm tháp Phước Duyên, thăm Điện Đại Hùng, thắp nén hương lên bàn thờ Phật rồi tiếp tục hành trình cho một chiều sông nước.

Qua Cồn Dã Viên, nơi được ví như “Bạch hổ chầu” phía bên phải kinh thành. Cồn Dã Viên là hai địa danh gắn liền với nhau, nơi xưa kia các đời vua nhà Nguyễn thường tổ chức tập trận, rèn luyện tượng binh. Thuyền qua cầu Bạch Hổ là thuyền chạy ngay phía trước mặt Kinh thành Huế uy nghi, cổ kính khi chiều đã muộn, mặt trời đã đổi về màu đỏ tím. 

Qua khỏi cầu Bạch Hổ, bạn sẽ đi vào quãng sông thơ mộng nhất của sông Hương, chảy qua thành phố, hai bên bờ sông là những công trình cổ kính soi bóng. Bên hữu ngạn, những lầu đài, thành quách… nối tiếp nhau. Bia Quốc học, bến Phu Văn Lâu, Kinh thành Huế, Nghinh Lương Đình, Đình Thương bạc và xa xưa kia còn là những bến đò một thời đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ. Từ bờ Bắc sang bờ Nam đối diện, những công trình kiến trúc mang dấu ấn kiến trúc Pháp như trường Quốc học, nhà thương, trường Đồng Khánh. Bến thuyền Phu Văn Lâu là nơi du khách có thể trải nghiệm một không gian “Huế trên sông”, thưởng thức ẩm thực cung đình và những bài ca rất Huế.

Qua cầu Trường Tiền thơ mộng như nét gạch nối cổ kính nối hai bờ Hương Giang. Thuyền xuôi bến đò Đập Đá là chặng cuối của khúc Hương Giang xuôi ngang phía trước mặt kinh thành cổ. Kế bên Bến đò Đập Đá. Cồn Hến chính là thế đối lập với cồn Dã Viên ở phía bên kia khúc sông phía trước kinh thành. Cồn Hến chính là “Thanh long chầu” ở phía trái Kinh thành. Thế đất “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” cũng chính là nhờ hai cồn đất trên sông đặc biệt này.

Đến cồn Hến, du khách thưởng thức bữa cơm chiều với món cơm hến đặc sản của đất kinh đô cổ. Một chiều xuôi dòng Hương Giang nhẹ nhàng, thanh nhã và thấm đẫm tình cảm đất kinh thành sẽ là trải nghiệm không thể nào quên với bất cứ ai muốn cảm nhận, muốn hiểu được tận cùng những điều “rất Huế”.