Một cách thu hút nhân tài

ANTD.VN - Tuổi trẻ giờ giỏi quá bác ạ. Thanh niên thời nào chẳng thế, vấn đề là chúng ta có quy tụ được và sử dụng họ thế nào cho hiệu quả thôi. Lại mới có cháu nào sáng chế ra ôtô chạy bằng không khí hay máy bay chạy bằng nước biển hả bác?

- Không, những cái đó cả thế giới còn chẳng làm được nữa là Việt Nam. Tôi vừa xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia, trong lòng rất thán phục. Có những câu hỏi cực khó mà các cháu trả lời nhoay nhoáy, có khi chỉ vài giây là có đáp án.

- Tưởng gì. Để giành được giải thưởng mấy chục nghìn đô la của chương trình này, nhiều cháu phải “luyện chưởng” mấy năm trời. Tôi nghĩ đây chưa hẳn đã là giỏi thực chất.

- Trong lúc nhiều bạn trẻ phí hoài thời gian truy bắt Pokemon, mà các cháu này vẫn miệt mài học tập thì cũng đáng khen chứ.

- Thì tôi có chê đâu. Có điều, chúng ta nên biến chương trình thành một trò chơi bổ ích, không nên coi đó là nơi để giành giật vật chất. Cái thói tranh giành này khi đã vận vào người sẽ có hại đối với tương lai đất nước lắm.

- Bác cứ quá lời. Giành được giải sẽ được du học ở những nước tiên tiến, sẽ giúp các cháu có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích.

- Nhưng bác thấy có mấy đứa du học xong mà trở về phục vụ đất nước đâu.

- Ờ, đúng thế thật. Làm thế nào để các cháu quay về với quê cha đất tổ nhỉ?

- Với tình hình này thì khó lắm. Các nước tài trợ chương trình này rồi thu hút nhân tài của ta, sao ta không làm ngược lại, tài trợ cho họ rồi hút nhân tài của họ sang ta du học, sau đó tìm cách giữ lại. Thế là ta cũng có người tài, cao kiến quá còn gì.

- Lại động đến chuyện tài trợ rồi, thôi quay trở về câu hỏi "đầu tiên - tiền đâu" (?)