Moscow áp thuế Kiev để chặn EU “tuồn” nông sản vào Nga

ANTĐ - Thủ tướng Nga ký quyết định đánh thuế hàng hóa từ Ukraine - 1 cú ra đòn với 2 mục đích nhằm cả vào Kiev lẫn EU.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký quyết định áp dụng thuế hải quan đối với hàng hóa Ukraine nhập khẩu vào Nga. Ông cho các phóng viên biết, thuế hải quan sẽ được áp dụng nếu Ukraine bắt đầu thực hiện điều khoản của Hiệp định kinh tế với EU trước ngày 1-1-2016, kể cả việc thực hiện về mặt pháp lý cũng như ứng dụng thực tế thỏa thuận được nêu.

Phát biểu tại diễn đàn đầu tư ở Sochi vào ngày 19-9, Thủ tướng Nga nói: "Tôi xin thông báo, hôm nay tôi đã ký quyết định đánh thuế nhập khẩu các mặt hàng từ Ukraine, tức là áp dụng chế độ thông thường thuận lợi nhất. Đó là các sản phẩm lương thực, sản phẩm công nghiệp nhẹ và chế biến, cũng như các mặt hàng khác".

Theo Thủ tướng Liên bang Nga, việc áp thuế này còn có một mục đích nữa là chính phủ Nga sẽ không để xảy ra việc "các sản phẩm từ Liên minh châu Âu sẽ xâm nhập thị trường Nga với giá bán ưu đãi, dưới vỏ bọc hàng hóa từ Ukraine, vốn là bên tham gia khu vực thương mại tự do trong CIS”.

Trước đó, Nga đạt thỏa thuận với phía Ukraine và Ủy ban châu Âu về việc không áp dụng phần thương mại và kinh tế của thỏa thuận trước ngày 1-1-2016.
Moscow áp thuế Kiev để chặn EU “tuồn” nông sản vào Nga ảnh 1
Nga đánh thuế Ukraine cũng là nhằm chặn hàng hóa EU tuồn vào trong nước?

Việc Nga áp thuế Ukraine để ngăn chặn hàng hóa của EU “tuồn” vào thị trường Nga cũng có lý khi cuối tháng 8 vừa qua, một số quốc gia EU cũng đã định “nhờ” thị trường Thụy Sỹ để tái xuất nông sản, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa sang Nga. Tuy nhiên, quốc gia trung lập này không giúp các nhà sản xuất EU né lệnh cấm vận của Nga

Tờ Wall Street Journal của Mỹ khẳng định, Thụy Sĩ đã từ chối không giúp đỡ các nhà cung cấp thịt, các sản phẩm sữa và rau quả châu Âu trong việc tái xuất thông qua lãnh thổ nước này, nhằm tránh lệnh cấm vận của Nga vì không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia của Thụy Sĩ.

Đại diện văn phòng liên bang về nông nghiệp của Thụy Sĩ Jürg Jordi tuyên bố, chính quyền Thụy Sĩ đòi hỏi tiến hành kiểm tra để cấp giấy chứng nhận chất lượng tương ứng với tiêu chuẩn an toàn về sản phẩm xuất khẩu, nhưng trong trường hợp hàng quá cảnh từ EU thì động tác này không thể thực hiện bởi các sản phẩm được chế xuất bên ngoài Thụy Sĩ.

Được biết, chính sách trừng phạt mà Nga thi hành không áp dụng đối với Thụy Sĩ bởi nước này không phải là thành viên EU. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng định “nhờ vả” Phần Lan vì nước này cũng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga. Tuy nhiên, cũng giống như Berne, Helsinki đã từ chối thẳng thừng.