Mong mỏi giản dị và thực tế

ANTĐ - Nếu không có kỳ tích đoạt vé World Cup ở giải châu Á, có lẽ futsal vẫn còn xa lạ với nhiều người và chìm sâu trong sự thờ ơ của những người có trách nhiệm.

Mong mỏi giản dị và thực tế ảnh 1

Sự quan tâm của những người có trách nhiệm dành cho futsal có được cải thiện sau kỳ tích đoạt vé World Cup?

Hai ngày qua, trò chuyện với một số trọng tài, cầu thủ futsal trong nước, người viết được nghe những chia sẻ đong đầy cảm xúc. Xen lẫn niềm vui khôn xiết là những câu chuyện buồn, những trăn trở của những con người trót đam mê theo đuổi bộ môn này.

Phải khẳng định rằng sự quan tâm của người hâm mộ, giới truyền thông và ngay giới quản lý - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với futsal còn quá hời hợt. Ít ai biết rằng, mức lương của những cầu thủ futsal ở các CLB chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng - một con số chỉ bằng 1/10 đồng nghiệp ở V-League hay hạng Nhất. Chỉ khi nào có giải, thu nhập của họ mới được tăng lên chút ít nhưng mỗi năm cũng được dự vài ba giải là cùng.

Ở những giải đấu hiếm hoi đó, các CLB phải đóng tiền để được tham dự, đồng thời phải tự túc lo mọi chi phí khác. Hầu hết các đội đều hạn hẹp tài chính nên chuyện ăn ngủ tạm bợ, thậm chí mất vệ sinh khi thi đấu xa nhà dần trở thành quen thuộc với cầu thủ    futsal và buộc họ phải chấp nhận như một thực tế. Đáng nói hơn là cách mà giới quản lý “đối xử” với giải đấu do chính mình tổ chức.

Nhiều đội bóng than rằng, ngoại trừ một hai năm trở lại đây được thi đấu tại Nhà thi đấu Phú Thọ (dù chưa đạt chuẩn nhưng thuộc hàng tốt nhất trong các sân đấu futsal ở Việt Nam), họ phải thi đấu giải VĐQG hay Cúp Quốc gia trên... sân tập của CLB Thái Sơn Nam để tiết kiệm cho ban tổ chức. Chưa dừng ở đó, các giải đấu thường chỉ diễn ra vỏn vẹn 4 ngày cho đỡ tốn kém. Và thế là các CLB phải thi đấu trung bình 1 ngày/trận, cầu thủ bị vắt kiệt sức còn chất lượng chuyên môn tụt giảm. Việc quảng bá hình ảnh giải đấu bị coi nhẹ khi xung quanh nhà thi đấu gần như không hề có băng-rôn, biển hiệu, thua cả những giải đấu phong trào cấp tỉnh.

Không riêng HLV, cầu thủ mà ngay cả trọng tài ở môn futsal cũng có nỗi niềm riêng. Một trọng tài (xin giấu tên) than: “Cùng giải VĐQG, nhưng trọng tài V-League được VFF và sau này là Công ty VPF trả thù lao 5-7 triệu đồng/trận còn đồng nghiệp ở môn futsal chỉ nhận 1/10 con số đó. Mỗi năm, trọng tài V-League có việc đều đặn 9 tháng còn trọng tài futsal chỉ vọn vẹn 1-2 tháng được hành nghề. Chưa kể khi làm giải, trọng tài V-League được đi máy bay, ở khách sạn hạng sang còn đồng nghiệp bên futsal phải tằn tiện với tiền hỗ trợ ít ỏi từ ban tổ chức”.

 Với những người trót đam mê và theo đuổi futsal, sau niềm vui giành vé World Cup là những trăn trở giản dị nhưng cũng rất thực tế, rằng: Liệu lương của HLV, cầu thủ, trọng tài futsal cùng sự quan tâm dành cho bộ môn này có khá hơn không?