Mong manh những chuyến mưu sinh giữa biển

ANTĐ - Nguy hiểm, vất vả, nhưng với các ngư dân, biển là lẽ sống, là niềm đam mê...

Bước chân lên bờ, bỏ lại sau lưng những con sóng dữ, tôi mới hiểu được phần nào những cực nhọc và hiểm nguy mà những ngư dân phải đối mặt trong những chuyến vươn khơi. Vậy nhưng, tôi càng hiểu hơn cái ý nghĩa mà những ngư dân luôn khẳng định rằng, nguy hiểm, vất vả, nhưng với họ, biển là lẽ sống, là niềm đam mê...

Câu mực, nghề nguy hiểm

Những tàu câu mực và những tàu câu cá ngừ đại dương là những tàu đánh bắt xa bờ. Tàu câu mực xuất phát từ cảng biển Đà Nẵng thường ra vùng biển mà ngư dân thường gọi là biển Chanchu. Đây là vùng biển cách Đà Nẵng hơn 120 hải lý mà năm 2006 cơn bão Chanchu đã quét qua làm chìm nhiều tàu và chết nhiều ngư dân. Đối với một ngư dân nơi đây không có gì là quá xa, nhưng với tôi đây là lần đầu tiên được ra gần Trường Sa như vậy.

Để được có mặt trên tàu câu mực, tôi phải hứa với chủ tàu ông Hoàng Văn Minh là chỉ được ngồi xem, không chụp ảnh và không được nêu số hiệu con tàu trên báo vì điều đó là kiêng cữ đối với những con tàu đánh bắt xa bờ. “Nghề ni nguy hiểm rình rập nên anh em tui phải kiêng cữ dữ lắm” - ông Minh nói vậy.

Trên tàu này có một dàn phơi mực gồm nhiều lớp. Dàn phơi gồm những thanh gỗ hoặc tre nhỏ được đóng đinh chổng ngược lên để mắc mực và nhiều cái thúng câu. Câu mực thường phải đi những đêm thật tối trời. Đây là một nghề rất nguy hiểm. Phát hiện có mực, những chiếc thúng câu được thả xuống biển cùng với một thợ câu. Giữa đại dương mênh mông, cái thúng trôi theo sóng và luồng nước chảy trong màn đêm tối mịt. 19 giờ, 4 cái thúng được thả xuống biển trên đó có một thợ câu, một máy bộ đàm, can nước và một ít thức ăn đêm. Chạy thêm một đoạn nữa, 4 người còn lại và 4 cái thúng tiếp tục được thả xuống biển. Chừng một tiếng sau, đứng trên tàu chỉ thấy những đốm sáng nhỏ trên biển giữa màn đêm đặc quánh.

Phơi mực trên tàu.

Phơi mực trên tàu. 

Trên tàu giờ chỉ còn lại ông Minh ngồi trực bên máy bộ đàm. Mùi thum thủm tỏa ra trên dàn phơi làm tôi muốn lộn ruột. Nước mực nhỏ tong tong xuống sàn tàu tỏa ra mùi như xác thối. Biết tôi khó chịu, ông Minh trêu: “Mực được nắng thế là thơm lắm rồi, gặp phải trời mưa dài ngày nó bốc mùi như mùi của vài con chó chết đang thối rữa răng mà anh chịu được hè”.

Giọng buồn, ông Minh kể về công việc câu mực: làm thợ câu mực sống chết cách nhau trong gang tấc anh ạ. Cái thúng câu giữa biển nó nhỏ lắm. Đôi khi cá mập vờn quanh thúng hay một cơn giông bất ngờ biển động mạnh là coi như khó mà về được. Trong Quảng Nam có làng mấy chục người câu mực đã vĩnh viễn gửi thân cho biển đó.

Trời chuyển dần về sáng, ông Minh vẫn liên tục liên lạc với những thợ câu mực bằng máy ICOM. Tôi mệt quá nên bắt đầu thiếp đi.

Hừng đông vừa lên, ông Minh cho tàu chạy đi vớt những thợ câu mực lên. Thúng trôi xa nhất cách chỗ thả hôm qua 10 hải lý. Những thợ câu mực lên tàu, xẻ những con mực vừa bắt được đưa lên dàn phơi, tranh thủ ăn nhanh bữa sáng rồi đi ngủ lấy sức cho công việc buổi tối.

Sau lần chạy bão, tàu câu mực của chúng tôi về neo tại bến.

 Sau lần chạy bão, tàu câu mực của chúng tôi về neo tại bến.

Nói chuyện với một thợ câu mực, anh Nguyễn Văn Dạ (quê Quảng Nam) kể về lần suýt bị chìm thúng cách đây 2 năm vì tàu lạ. “Đêm nớ, khoảng 2 giờ sáng, tui đang câu thì có một tàu lạ lù lù tới. Tui cố la hét để ra hiệu nhưng hắn cứ rứa trờ tới. Khi tới gần cái thúng tròng trành dữ quá, tui vứt cái can ra rồi nhảy khỏi thúng. Con tàu lạ sướt qua, tí nữa là cái chân vịt của tàu băm nát tui. May mà cái thúng không chìm nên một lúc sau tàu qua tui tìm lại được để trèo lên đó nên thoát chết”.

Đường về gặp bão

Từ khi lên tàu mực tôi liên tục bị nôn ói và không ăn uống được vì mùi mực phơi. Biết có tàu câu cá ngừ đại dương của anh Khánh người Quảng Bình sắp vào bờ nên ông Minh liên lạc để xin cho tôi lên tàu. Từ buổi trưa tàu anh Khánh đã nhận được tin báo bão và dự định sáng hôm sau sẽ vào. Đêm đó, khi mọi người vẫn đang câu thì khoảng 22 giờ, gió bắt đầu thổi mạnh. Biết là bão sẽ đến sớm nên 1 giờ sáng, anh Khánh cho thu câu nhổ neo cho tàu vào bờ.

Con tôm mồi dùng để câu mực.

 Con tôm mồi dùng để câu mực.

Đến trưa hôm sau, tàu cách bờ khoảng 30 hải lý thì gặp sóng mạnh. Mưa đổ xuống, gió giật làm con tàu lắc dữ dội. Từng cơn sóng cao ập vào mạn tàu làm nước bắn lên tàu. Con tàu lớn lúc như dựng đứng, lúc như chúi mũi xuống đáy biển. Ngồi trong khoang tàu mà tôi cứ tưởng như mình đang ngồi trên tàu lượn. Ôm lấy chân giường trên tàu, tôi phải cố gắng lắm mới không bị ngã lăn ra sàn. Dù rất muốn chụp ảnh nhưng tôi không thể đứng dậy được. Trên khoang lái, anh Khánh vẫn bình tĩnh vừa điều khiển tàu vừa liên lạc với bạn tàu khác qua máy ICOM. Tàu vào gần bờ sóng vẫn mạnh nhưng trời đã tạnh mưa. Chiều hôm đó khi tàu vào đến Cửa Việt, Quảng Trị tôi đã thấy nhiều tàu neo ở đó.

Thấy tôi còn chưa hoàn hồn khi tàu đã cập bến, anh Hồ Quyết Chiến nói vui: “Rứa đã ăn thua gì đâu ông phóng viên ơi, gặp bão ngoài khơi giữa đêm mới khiếp tề”. Anh Chiến kể cho tôi nghe câu chuyện đau thương của anh. 4 năm trước anh đã gặp bão trên biển, sóng lớn đánh làm vỡ tàu. 8 người trên tàu chỉ có 6 người được tàu bạn cứu, còn lại hai người vĩnh viễn không tìm thấy xác. Trong hai người đó một người là bạn thân nhất của anh. Nhìn những con sóng lớn đang đánh vào bờ, giọng anh Chiến chùng xuống: “Làm nghề ni cực lắm anh ơi, ranh giới sống chết mong manh lắm”.