Mong cầu vượt sớm hoàn thành

ANTĐ - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhìn nhận, nếu như dừng lại công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc thì dẫn đến “tắc Xã Đàn”, hàng vạn người dân phải khổ sở vì ách tắc giao thông, vì ô nhiễm khói bụi mỗi khi lưu thông qua nút giao này.  Nhà biên kịch Chu Thơm thì cho rằng: Hà Nội động vào đâu cũng thấy di chỉ, nếu chúng ta cứ né tránh mà không ưu tiên cho sự phát triển thì cũng không nên. “Thánh thần, tổ tiên luôn ở bên cạnh con cháu, ủng hộ chúng ta” - nhà biên kịch nói.
Mong cầu vượt sớm hoàn thành ảnh 1
Cầu vượt sẽ được xây dựng theo hướng tác động ít nhất tới Đàn Xã Tắc


Nhận định nút giao ngã 5 Ô Chợ Dừa là điểm thường xuyên tắc nghẽn giao thông, ông Bùi Danh Liên với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội và cũng là một người dân sinh sống lâu năm ở khu vực Xã Đàn cho rằng, người dân và các doanh nghiệp vận tải Hà Nội mong muốn cầu vượt Xã Đàn sớm được thi công và hoàn thành đúng tiến độ để việc đi lại được cải thiện.

Đây là công trình giao thông Vành đai 1, dựa theo hướng tuyến đường đã có từ thời Pháp thuộc thế kỷ trước. Vành đai 1 bắt đầu từ Nhật Tân, dọc đê sông Hồng đến Nguyễn Khoái, vòng rẽ vào Trần Khát Chân, Đê La Thành đến Cầu Giấy, theo đê Bưởi qua Lạc Long Quân và trở về Nhật Tân. Hướng tuyến như trên tránh xâm phạm vào vùng đất nội đô nhằm bảo tồn các di sản lịch sử nghìn năm Thăng Long và kết nối giữa các cửa ô.

Song, vì phải giải phóng mặt bằng hàng nghìn hộ dân và khó khăn về nguồn lực tài chính, nên TP Hà Nội phải làm dần từng đoạn. Khi đến cuối phố Xã Đàn đã phát lộ một số nền gạch và mảnh vỡ đất nung. Các cơ quan bảo tồn di sản công bố đây là  Đàn Xã Tắc, nơi các vua chúa cầu cúng thần Đất và thần Nông. Công trình phải dừng lại, Hà Nội đã điều chỉnh thiết kế, biến nơi này thành một đảo giao thông để bảo tồn Đàn Xã Tắc, tạo ra đảo lệch của 5 tuyến đường, hạn chế tốc độ lưu thông, gây ùn ứ phương tiện thường xuyên. Các cơ quan  chức năng đã có nhiều cuộc họp bàn thảo, đưa ra nhiều bản thiết kế, nhằm đảm bảo cho cầu vượt không ảnh hưởng đến di tích, đảm bảo cảnh quan đô thị, hài hòa với phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đã được Cục di sản văn hóa chấp thuận.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhìn nhận, nếu như dừng lại công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc thì dẫn đến “tắc Xã Đàn”, hàng vạn người dân phải khổ sở vì ách tắc giao thông, vì ô nhiễm khói bụi mỗi khi lưu thông qua nút giao này. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt xây dựng cầu vượt Xã Đàn hoàn thành đúng tiến độ, để Thủ đô của chúng ta có con đường hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân”.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, giữ nguyên giá trị lịch sử là điều ai cũng hoan nghênh. Chúng ta phải tôn trọng, nâng niu những giá trị di sản, văn hóa. Nhưng trong thực tế cuộc sống, cũng có nhiều thứ phải ưu tiên hơn. Đôi khi người ta cứ tuyệt đối hóa một giá trị nào đó, khép “tội” cho người khác “ngồi lên di sản”, “phá hoại giá trị truyền thống”... Trong khi đó, những công trình hiện đại là điều cần thiết cho một Thủ đô văn minh, để khơi thông dòng chảy lịch sử, có lẽ vẫn nên được ưu tiên.

LTS: Sau khi ANTĐ số 3790 đăng bài “Cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa: Lựa chọn hợp lý”, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên môn. Để rộng đường dư luận và có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, ANTĐ thông tin tiếp tới bạn đọc một số ý kiến tâm huyết.

Kiến trúc sư Lý Trực Dũng: Cẩn trọng với từng centimet đất

Đứng về luật Di sản, Đàn Xã Tắc cần được bảo vệ. Nhưng cái khó ở đây là sự mâu thuẫn giữa quy hoạch hiện nay và vấn đề bảo tồn. Không ai biết ở dưới lòng đất có gì trước khi một quyết định làm đường được đưa ra. Đặc biệt, với Hà Nội, một Thủ đô nghìn năm văn hiến, đụng vào nơi nào cũng thấy những di chỉ được phát hiện. Là một kiến trúc sư đồng thời đã tham gia nhiều công trình tu bổ tôn tạo di tích, tôi từng chứng kiến rất nhiều hài cốt, các bát gốm tìm thấy trong quá trình thi công. Trong khi đó, cũng phải nói thật rằng, các quy hoạch của Hà Nội chưa xứng tầm với quy mô thành phố mở rộng nên vấn đề ách tắc giao thông không được giải quyết triệt để đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải cẩn trọng với từng centimet đất tại nút giao thông Ô Chợ Dừa. 

Nhà biên kịch Chu Thơm: Nên làm nhưng phải hài hòa

Hà Nội động vào đâu cũng thấy di chỉ, nếu chúng ta cứ né tránh mà không ưu tiên cho sự phát triển thì cũng không nên. Nên để cho đời sống cư dân Hà Nội được cải thiện, giảm thiểu nạn tắc đường. Những chiếc cầu vượt dã chiến “mọc lên” thời gian gần đây tại các ngã tư thường xảy ra ách tắc rõ ràng đã làm cho điểm nóng của giao thông được giải quyết. Thánh thần, tổ tiên luôn ở bên cạnh con cháu, ủng hộ chúng ta. Tất nhiên, việc đưa ra một phương án hữu hiệu nhất cho xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc cần thận trọng, xin ý kiến của nhiều nhà khoa học, các kiến trúc sư, nhà hoạch định kiến trúc để làm sao hài hòa được mọi bề. Chúng ta phát triển hay gìn giữ di sản đều là để cho chúng ta và các thế hệ con cháu sau này! 

PGS.TS Đặng Văn Bài: Nếu nguyên tắc được tuân thủ, tôi ủng hộ

Tôi mới chỉ được nghe thông tin về 2 công văn của Bộ VH-TT&DL đồng tình với việc xây dựng cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc mà chưa được cầm bản vẽ thiết kế chi tiết của công trình. Do đó, tôi chỉ có thể phát biểu dựa trên nguyên tắc nếu cầu vượt đi qua không xâm phạm di tích thì có thể xây dựng cầu vượt, để đáp ứng yêu cầu của đời sống, giải quyết ách tắc giao thông và đảm bảo vấn đề bảo tồn văn hóa không mâu thuẫn lẫn nhau. Cầu vượt đi qua khu vực di tích cần đảm bảo không gây ra phản cảm, chân cầu và mố cầu không chạm vào Đàn Xã Tắc.

Tin cùng chuyên mục