Món ăn thời bao cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người cao niên hay hồi cố thời bao cấp. Cũng không hiểu tại sao lại thế. Cái thời đói nghèo khốn khó cuối thập niên 70, đầu 80 khiến bao người phải ám ảnh, từ hồi nào đã trở nên đầy chất thơ trong hoài niệm...
Mâm cơm theo phong cách thời bao cấp

Mâm cơm theo phong cách thời bao cấp

Ôn cố tri tân

Mười năm ròng rã ăn cơm độn bo bo và xếp gạch trước các cửa hàng mậu dịch hóa ra lại là nguồn cảm hứng bất tận cho bao tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu lẫn cả ngàn giai thoại và… huyền thoại. Thời bao cấp bỗng thành “đặc sản” của Việt Nam, khiến khách du lịch thích thú mà tò mò ngắm nhìn. Kiểu “design” đặc trưng thuở mậu dịch và những món ăn bao cấp chợt biến thành ý tưởng tuyệt vời cho người kinh doanh hốt bạc.

Mẹ tôi là một điển hình. Cứ hễ ăn nho thì bà bảo nho ngày xưa nó ngon hơn thế này. Ăn thịt thì bà bảo thịt xưa thơm nức lên. Ăn rau thì rau xưa xanh tươi hơn. Mỗi lần thế là tôi hay nhăn mặt bảo, ngày xưa cả nước đói quá nên ăn gì cũng thấy là ngon, giờ thực phẩm dồi dào thừa thãi nên thức nào cũng không còn ngon nữa. Thực phẩm của thời bao cấp khéo là tệ nhất mà mẹ cứ khen ngon là sao? Giờ tôi vẫn nhớ trái cây bao cấp loanh quanh có mấy loại “quý hiếm” là dưa lê, dưa hấu, nho, hồng xiêm… mà loại nào cũng nhạt hoét hoặc chua lòm. Chẳng nhẽ kinh tế đất nước tiến lên vài chục lần, HDI, GDP ngày càng tăng, công nghệ trồng trọt tiến bộ, thời toàn cầu hóa, đồ nhập khẩu Âu - Mỹ có thứ gì thì Việt Nam có thứ đó mà thực phẩm lại ngày một kém đi à? Mẹ tôi nghe phân tích thế đuối lý mắng: “Chị rõ là phải cho đi giảng… nghị quyết”.

Không chỉ mẹ tôi mới hay nhớ thời xưa mà ngay cả Vũ Bằng, Thạch Lam… cũng thường thương nhớ quá khứ, nhất là ở khoản ăn uống. Vũ Bằng từng kể về món lúa nướng rẻ tiền đã làm ấm áp cả tuổi thơ ông mà cho đến giữa những năm 50 thì không còn ai đi ăn lúa nướng nữa. Tuy nhiên ngay cả những món khoái khẩu của những năm 50 ấy thì bây giờ cũng không mấy người thiết tha. Thậm chí là nó cũng biến mất luôn khỏi nền ẩm thực Việt từng được đánh giá là đa dạng nhất của nhân loại. Muốn tìm hiểu thì chỉ còn nước giở văn Vũ Bằng ra mà “ngâm cứu”.

Trong cuốn “Mùi của ký ức”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều thao thiết tới 200 trang sách về những món ăn của tuổi thơ ở làng Chùa. Dưới hồi ức và văn phong của tác giả thì thức nào cũng khiến người ta thèm nhỏ dãi mà khao khát, mà tò mò, nhưng tỉnh táo ra sẽ thấy nó không ngon, ít ra là không còn ngon nữa ở cái thời đại bội thực vì đồ ăn này. Những món muối riềng, muối sườn, chả hến, trứng chưng tương, gỏi cá diếc… dường như đã tuyệt chủng ngay cả ở nông thôn. Ấy là vì ngày càng có nhiều sản vật và cách chế biến hợp khẩu vị hơn, cũng bởi nếu chúng ngon thực thì người ta sẽ còn ăn mãi. Chưa kể Nguyễn Quang Thiều còn ca ngợi một món mà những kẻ luôn lo lắng về cân nặng như tôi sẽ lấy làm ác mộng, ấy là… cơm nóng rưới mỡ lợn.

Một nhà hàng thiết kế theo phong cách của thời bao cấp xưa

Một nhà hàng thiết kế theo phong cách của thời bao cấp xưa

Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch thời bao cấp

Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch thời bao cấp

Một miền ký ức

Tuy nhiên, món ngon còn là ngon ở hồi ức và đẹp ở cảm xúc đã song hành suốt một thời thanh niên sôi nổi. Bây giờ có những thứ trái cây bỗng trở thành “cổ tích” khi không ai còn ăn chúng nữa, như mít mật, chuối lá, na bở, ngô tẻ chẳng hạn. Các giống cây trồng mới đã xóa sổ hàng loạt giống quả rất dở hơi kia, mà ngay cả thời bao cấp thì tôi cũng thà nhịn chứ không muốn ăn.

Thời ấy, thi thoảng thèm quá thì còn ăn cả quả thị, vốn là thứ “bà để bà ngửi chứ bà không ăn”, hoặc cà chua chấm đường cũng được ăn như món tráng miệng. Cả lõi dứa nữa, nguồn phế phẩm của các nhà máy đóng hộp xuất khẩu được một vài người buôn nhỏ lẻ tự nghĩ mà dầm với muối ớt, rồi đem bán cổng trường để lũ học trò có thể mua mà nhấm nháp. Trong rổ quà vặt của người bán rong cổng trường ấy có thêm mấy thanh quế bẻ nhỏ, kẹo bột, kẹo gôm, chùm dâu da chín… Rồi còn một loại quả có vị ngán ngẩm y như cái tên gọi là lạ của nó là quả chua chát ngọt. Loại quả này bé li ti như mận cơm, ăn nhác giống quả dại. Tất cả dần biến mất như những nghề phổ thông của một thời gian khó là hàn dép nhựa, đổ mực bút bi, bật bông, thu mua lông gà lông vịt...

Thế rồi cũng có những nhà kinh doanh thấu hiểu nỗi lòng nhớ thương xưa cũ ấy mà mở ra nơi chốn chuyên cung cấp những món ăn hồi cố. Du khách nước ngoài đến Hà Nội thường hay ghé qua con phố Nam Tràng bé nhỏ nép sau hồ Trúc Bạch để vào Cửa hàng ăn uống mậu dịch - một bảo tàng thu nhỏ của thời bao cấp. Những bàn ăn sửa chữa từ chân máy khâu, đôi dép cao su làm bằng lốp xe, cái quạt con cóc, cân bàn, sổ gạo, chiếc xe đạp kỳ dị trứ danh và bát đĩa tráng men như lối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Thi thoảng có những người muốn tìm lại khoảnh khắc hàn vi bằng cách tự dưng thèm món cơm trộn phở hoặc nem mậu dịch ăn với cơm thì cũng vào đây mà gọi 1 suất. Thuở khan hiếm thực phẩm ấy, người ta thèm bát phở mậu dịch nhưng không dám bỏ tiền ra ăn cho đàng hoàng, dù phở ấy cũng lõng bong nước và chạy qua hàng thịt. Thế là đành mua 1 suất về để cả nhà cùng thưởng thức mỗi người đôi chút. Muốn vừa được ăn ngon vừa no cái bụng thì trộn thêm cơm nguội vào. Nem cũng vậy, xa xỉ quá đỗi 1 đĩa bún nem, nên thôi, gắp đấy 1-2 miếng nem nhỏ xinh mà ăn kèm với cơm. Giờ thì phở không thích mà cơm cũng không thèm nữa, mang phở ra trộn với cơm cho bõ một trời thương nhớ.

Cửa hàng ăn uống mậu dịch phố Nam Tràng còn thêm mấy món bất hủ và lừng danh của thời bao cấp được chế biến từ tóp mỡ. Ngày xưa ai cũng thèm tóp mỡ, dù là thứ tóp quắt queo vì đã được rán đến kiệt mỡ chứ không phải tóp béo để lửng như bây giờ mà đem xào dưa.

Quán cà phê thiết kế theo phong cách thời bao cấp

Quán cà phê thiết kế theo phong cách thời bao cấp

Mỗi lần vào Sài Gòn, tôi hay ghé khách sạn Victory mạn ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần để làm bữa buffet trưa, dù không mấy khi nghỉ lại. Victory lắm khách Hà Nội nên buffet cũng toàn món Bắc. Khéo chọn ngày thì thể nào cũng số may mà vớ được mấy món bao cấp. Cả dưa xào tóp mỡ, canh dưa nấu lạc cũng có. May nữa thì sẽ được chén lòng lợn chấm mắm tôm, canh cua cà pháo, ốc nấu chuối đậu... Ngồi giữa sảnh khách sạn 4 sao mà vẫn còn được ăn mắm tôm, có lẽ chỉ có Victory mới “thương” khách Bắc đến vậy. Thế mới biết rằng người ta… “ăn Bắc, mặc Nam”, đi xa đâu cũng thèm muốn dưa cà, mắm tôm, tóp mỡ.