Mối tình với Trường Sa

ANTĐ - Có lẽ nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng lại có một ngày mình được đặt chân lên 10 hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc ở Trường Sa. Thế nên khi trở lại đất liền sau chuyến đi “để đời” đó, tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồng bềnh trên sóng và trong tai thì ngân vang những giọng nói trầm ấm nồng vị biển của những chiến sỹ hải quân.

Bình dị mà lớn lao

Giữa tháng 5-2014, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác đến thăm các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa. Đến nơi ấy mới thấy mình thật nhỏ bé trước biển cả bao la, trước những con người đang ngày đêm canh giữ biển trời, nơi quanh năm chỉ có tiếng sóng, nắng đến lóa mắt và gió cũng mang hơi mặn chát. Có hòn đảo chìm chỉ xây vỏn vẹn được 1 tòa nhà, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong cái không gian chật hẹp ấy. Còn như các điểm nhà giàn DK1 thì chỉ như một chiếc chòi canh mọc lên giữa biển, những chiến sỹ trên ấy còn không có đất để mà “tiếp đất” hàng ngày. Sống giữa biển cả quanh năm gầm gào sóng dữ mà lòng người vẫn bình lặng đón nhận mọi biến động. Đời bộ đội “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”, tôi đã được nghe câu nói ấy lặp đi lặp lại khi tiếp xúc với những người lính Trường Sa, khi khẽ khàng hỏi các anh: “Biển Đông đang “nóng” ở Hoàng Sa, anh có lo lắng chút nào không?”. Câu trả lời đã nói lên tất cả, một khí khái Trường Sa, một tình yêu nước, yêu từng tấc đất, dải cát mà cha ông đã dày công bảo vệ hàng nghìn năm qua. 

Họ đã cho tôi một cái nhìn mới, một cảm nhận mới hơn về tình yêu Tổ quốc, tinh thần dân tộc, tình quân dân và tình đồng đội, đồng chí. Những con người ấy dung dị mà quá đỗi cao cả. Những hòn đảo đầy sức sống giữa Biển Đông mênh mông ấy được đổi bằng công sức, bằng mồ hôi thậm chí là máu và nước mắt của các anh. Những hòn đảo tôi đã đặt chân đến, những người lính tôi đã gặp chẳng nói đến triết lý sâu xa, chẳng ăn nói đao to búa lớn, họ yêu nước một cách giản dị theo tiếng lòng mình.

Nữ phóng viên ANTĐ cùng cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-561

Chiến sỹ Phạm Minh Tuấn tuổi đời vừa tròn 20, đóng quân trên đảo Đá Tây A, một hòn đảo chìm với điều kiện sinh hoạt khó khăn vô kể. Nước ngọt thiếu, rau xanh thiếu và cũng hơn 1 năm rồi Tuấn chưa về thăm nhà. Trong câu chuyện, khi được hỏi Tuấn mong muốn gì nhất vào thời điểm này, chiến sỹ người Kiên Giang mộc mộc mạc: “Em chỉ mong mưa thôi”. Câu trả lời của Tuấn cho tôi một bất ngờ lớn. Tôi những tưởng em sẽ mong đoàn tụ với gia đình nơi đất liền với đủ đầy vật chất. Nhưng rồi hiểu ra, nơi ấy gần 6 tháng trời chưa có một giọt mưa rơi xuống. Mỗi người chỉ được 1,5 lít nước ngọt để sinh hoạt mỗi ngày. 

Hay một thiếu úy trẻ sinh năm 1983 nhưng đã có 13 năm trong hàng ngũ Hải quân, đã công tác qua 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cưới vợ vừa được 1 tháng đã ra nhận nhiệm vụ tại đảo Thuyền Chài B, khi con 10 tháng tuổi mới được về thăm nhà, thăm con. Và, cũng từ đó đến nay, con đã hơn 2 tuổi, biết gọi bố nhưng cũng chỉ là những cuộc trò chuyện qua điện thoại. Anh nói, rồi lớn lên con sẽ hiểu, mình hy sinh vì quê hương, vì đất nước, con chắc chắn sẽ không trách mình đã không ở bên con từ ngày con còn bé. Vậy mà hỏi anh có muốn về đất liền công tác, gần gũi gia đình, vợ con không, anh ngập ngừng, có thể sau này mình sẽ nghĩ đến điều ấy, nhưng trước mắt thì không, mình muốn tiếp tục công tác ở Trường Sa, phải qua thêm nhiều hòn đảo nữa....

Kỷ niệm khó quên

Trong chuyến đi công tác, rất may mắn tôi được đi trên tàu     HQ-561, Vùng 4 Hải quân Việt Nam, một trong những tàu quân y hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Thuyền trưởng tàu HQ-561, Đại úy Nguyễn Văn Cường còn khá trẻ. Anh sinh năm 1978, tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2002 và từng là thuyền trưởng tàu Trường Sa -12. Ban chỉ huy tàu HQ-561 cũng rất trẻ trung. Trừ thuyền trưởng Cường thuộc thế hệ cuối của “7X”, từ chính trị viên đến các thuyền phó đều ở tuổi 8X. Chính trị viên, Đại úy Phạm Hồng Phú sinh năm 1980; Thuyền phó, Thượng úy Nguyễn Hải Nam sinh năm 1981; Thuyền phó, Trung  úy Vũ Hồng Quân sinh năm 1988. Tuy vậy, họ là một đội ngũ vững vàng, giỏi nghiệp vụ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có tới hơn 93% cán bộ, chiến sĩ trên tàu là đảng viên. Năm 2013 vừa qua, HQ-561 được công nhận là đơn vị tiên tiến, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Không những giỏi chuyên môn, hầu hết chiến sỹ trên tàu   HQ- 561 đều hát rất hay. 

Những anh nuôi trên tàu HQ-561

Ấn tượng khó phai nhất trong mỗi người đã từng được đi công tác Trường Sa trên tàu HQ-561 là điệp khúc đánh thức toàn tàu vào mỗi sáng. Sáng đầu tiên trên tàu, khi cả phòng đang chìm trong giấc ngủ thì bất ngờ, một giọng nói dõng dạc vang lên từ chiếc loa được lắp nơi góc phòng: “Đã hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Cả phòng lồm cồm dậy. Tôi vơ vội chiếc điện thoại bên cạnh và nói với giọng nhừa nhựa: “Mới 5h sáng mà hết giờ ngủ là sao?”. 

Biển Đông những ngày này vẫn chưa yên, lòng người con đất Việt dù ở nơi đâu cũng đang dậy lên tình yêu Tổ quốc. Trường Sa vẫn bình yên trong lòng những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Trường Sa vẫn nắng và gió, cùng những dải cát trắng lấp lóa dưới nắng hè gay gắt. Nhưng để có sự bình yên và giữ vững chủ quyền từng hòn đảo xa xôi ấy, các anh đã phải  đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu để đất liền bình an và luôn tin rằng “Chúng tôi, những người lính Trường Sa đang chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất quê hương, người còn đảo còn”.