Mối tình đầu chưa ngỏ

ANTĐ - Lính Hải quân, dù rất tự hào khi mang cầu vai màu xanh nước biển, nhưng để vững niềm tin, tiếp tục con đường ấy, họ đã phải hy sinh, thậm chí đánh đổi nhiều điều trong cuộc sống. Dẫu vậy, các anh luôn nguyện thủy chung với màu áo ấy, vẫn đầy tự hào khi nhắc đến cụm từ “lính Hải quân”.

Mỗi cánh thư tới Trường Sa được những người lính trân quý, giữ gìn như bảo bối

Những ngày tháng 5-2014, tôi có may mắn được tham gia đoàn công tác đến với Trường Sa, đến với các chiến sỹ Hải quân để thấy được phần nào những khó khăn, vất vả mà họ đã trải qua. Trong cuộc trò chuyện gần ngày chia tay với chiến sỹ trên tàu HQ561, Đại úy Ngô Văn Quyền (SN 1975, quê Phủ Lý, Hà Nam) tâm sự về mối duyên đầu tưởng như an bài nhưng rồi vì khoảng cách xa xôi đã khiến anh đành phải ngậm ngùi nhận “anh em kết nghĩa”. 

Nhớ về lần rung động đầu đời với cô gái quê Bắc Giang, anh Quyền nhớ như in từng mốc thời gian, từng chi tiết cụ thể. Năm 1996, qua thư gửi cho lính Trường Sa, anh đã kết bạn và làm quen với cô gái tên Thủy ở Bắc Giang (SN 1980); “Thực ra, lá thư ấy không phải gửi đích danh cho tôi mà thông qua mục kết bạn trên báo Tiền phong, Thủy viết thư gửi cho một đồng đội cùng đơn vị. Mình xin địa chỉ và viết thư kết bạn làm quen”. Ngày đó, điện thoại di động chưa có, mọi việc liên lạc chỉ qua những cánh thư, nối tình cảm giữa đất liền và hải đảo xa xôi. Qua 2 năm thư từ qua lại, trong lòng Đại úy Ngô Văn Quyền đã nảy sinh tình cảm với Thủy, dù chưa hề được gặp mặt.

Năm 1998, nhân được nghỉ phép về quê, Ngô Văn Quyền đã đến Kép, Bắc Giang thăm một người bà con họ hàng nên tìm vào nhà Thủy chơi. Vì ngày ấy, còn xấu hổ và cũng hơi ngại, nên anh phải rủ một người chú đi cùng. Tuy nhiên, vì không hẹn trước, nên lúc tìm vào nhà thì đúng lúc Thủy đi vắng. Không gặp được, lại không có lý do gì chờ đợi nên hai chú cháu lủi thủi ra về. “Vừa rời nhà em được một đoạn thì hai chú cháu gặp 1 người phụ nữ đi xe đạp ngược chiều, linh tính mách bảo thế nào, tôi gọi “Thủy”. Không ngờ, cô gái ấy dừng xe và quay lại. Cô ấy cũng hỏi, anh Quyền à?. Mọi việc tự nhiên vậy thôi”. Tối đó, anh Quyền cùng người chú họ đã ở lại nhà Thủy ăn cơm và nhận được lời mời ở lại qua đêm.

“Năm đó, Thủy vừa tròn 18 tuổi, Thủy chưa yêu ai và cũng chưa bao giờ để một người con trai lạ qua đêm ở nhà mình. Bố mẹ Thủy cũng rất nghiêm khắc trong chuyện yêu đương của con cái. Tuy vậy, có lẽ do quý lính Hải quân, lính đảo Trường Sa nên ngay hôm đó, bố mẹ Thủy đã thuyết phục tôi ở lại để có dịp chuyện trò, hiểu nhau hơn”. 

Song, ngay buổi trò chuyện, gặp gỡ đầu tiên ấy, khi người lính Hải quân chưa kịp bày tỏ tình cảm thì Thủy đã thẳng thắn cho biết, nhà cô neo người, chỉ có hai chị em, mà  Thủy là con lớn trong nhà nên bố mẹ không muốn gả chồng xa, sợ con gái phải chịu thiệt thòi. Nghe vậy, người chiến sĩ Hải quân trẻ chỉ biết nén tình cảm trong lòng, không muốn người con gái đầu đời khiến mình rung động phải rơi vào thế khó xử, với bản chất người lính, anh đã đưa ra quyết định nhanh chóng, đề nghị hai người nhận nhau làm anh em kết nghĩa. 

Tâm tình lính biển. Ảnh: Vũ Ngọc Hoàng

Từ sau lần gặp đó, hai người vẫn thư từ qua lại, liên lạc như trước, sau mỗi chuyến về nghỉ phép, Quyền vẫn lên Bắc Giang thăm Thủy. “Thủy là thợ may, nên từ ngày đó, quần áo tôi mặc đều do Thủy may. Có lần về thăm, Thủy đã thức trắng đêm để may cho tôi 1 chiếc quần, kịp giờ sáng hôm sau tôi về để vào đơn vị nhận nhiệm vụ”, anh Quyền nhớ lại. Nhưng vì đã có giao hẹn từ lần đầu gặp gỡ, Đại úy Ngô Văn Quyền và cô gái xứ Kinh Bắc tên Thủy không thể tiến xa hơn. Đến khi, cả hai cùng xây dựng gia đình thì mối liên kết ngày càng khăng khít. “Có lần, tôi đi công tác xa nhà, Thủy còn đón vợ với hai con tôi về Bắc Giang chơi cả tuần. Hai gia đình từ bấy đến nay qua lại như anh em trong nhà”.

 Khi tôi hỏi, anh có chút hối tiếc vì đã chọn nghề nghiệp, chọn màu xanh áo lính Hải quân ngày ngày làm bạn với sóng biển, anh chẳng chút do dự: “Xấp xỉ 20 năm làm người lính Hải quân, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ rằng mình sẽ lựa chọn một công việc khác. Khi đã lập gia đình, thường xuyên phải vắng nhà dài ngày nhưng được sự chia sẻ của người thân, anh em đồng đội nên mọi khó khăn đều được giải quyết chu toàn và rồi cũng quen, không có biển có khi lại “say đất liền” ấy chứ”. 

Đại úy Ngô Văn Quyền thuộc quân số của tàu HQ561, thuộc Hải quân vùng IV, Quân chủng Hải quân Việt Nam, một trong chiếc tàu Quân y hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. “Có những chuyến công tác, chuyến này nối tiếp chuyến kia, lênh đênh trên biển cả vài tháng, nhưng môi trường rèn luyện rồi cũng quen. Lính Hải quân, ngại gì sóng biển, ngại gì xa xôi”. 

Thượng úy Trần Văn Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C: Luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu

Mối tình đầu chưa ngỏ ảnh 3

50 năm đã trôi qua nhưng ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn vang dội như bản hùng ca ngời sáng. Ngày đầu ra quân đánh đuổi tàu Maddox của đế quốc xâm lược tại khu vực Vịnh Bắc bộ, Hải quân nhân đân Việt Nam kết hợp với quân dân miền Bắc đã để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ trẻ chúng tôi. Cha anh chúng ta đã đổ bao xương máu, bởi vậy, chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn và luôn phát huy những thành quả ấy để không phụ lòng tin tưởng của Đảng và nhân dân giao phó.


Là một người lính đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân nói chung và trong hàng ngũ những người lính Hải quân Việt Nam nói riêng, chúng tôi phải ý thức được rằng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay với tình hình trên khu vực Biển Đông luôn tiềm ần nhiều phức tạp, chúng tôi càng nhận thức rõ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là quan trọng nhất. Vì vậy mỗi cá nhân cần phải luôn học hỏi, tìm tòi, xây dựng y chí quyết tâm cho mình, luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đắc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A: Chủ động nhưng mềm dẻo, khôn khéo

Mối tình đầu chưa ngỏ ảnh 4

Sự kiện Hải quân Việt Nam cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng trận đầu dù đã qua 50 năm nhưng tiếng vang của nó vẫn còn đến ngày nay và mai sau. Nó là bài học quý giá, là động lực để chúng tôi, những người lính Hải quân soi vào. “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, trận đánh vang dội ngày ấy đã chứng minh cho điều này.

Mang trên mình trọng trách là người lính Hải quân, canh giữ quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của mình với Tổ quốc, với dân tộc. Thế hệ chúng tôi rất may mắn được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước hòa bình, phát triển. Nhưng tình hình Biển Đông đã và đang có những diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ. Mỗi người lính Hải quân lúc nào cũng phải trong trạng thái sẵn sàng với “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, cảnh giác cao độ, không mắc mưu kẻ địch. Luôn tạo cho mình ở thế chủ động, nhưng cũng không kém phần mềm dẻo, tỉnh táo trước mọi hành động khiêu khích, gây hấn. Tuy vậy, một khi Tổ quốc gọi, nhân dân cần, lính Hải quân sẵn sàng tiên phong trong bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.