Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Duy Bê:

Mỗi tác phẩm là một bài thơ

ANTĐ - Mỗi tác phẩm ảnh đen trắng của nghệ sỹ Đinh Duy Bê được ví như một bài thơ không lời về tình yêu, số phận con người và phong cảnh quê hương đất Việt - nơi tác giả có dịp đặt chân đến.
Mỗi tác phẩm là một bài thơ ảnh 1
Tác phẩm “Gió thu”


Năm 1972, ở miền Nam, lần đầu tiên Đinh Duy Bê gửi ảnh tham dự cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần 2 do Hội nhiếp ảnh Việt Nam (miền Nam) tổ chức, anh có 3 ảnh được chọn trưng bày: Trông ngóng; Khắc khổ và Sương đêm. Ảnh của anh đã bộc lộ hướng sáng tác, cách thể hiện tác phẩm của người có năng khiếu về kỹ thuật buồng tối. Sau này, khi đã định hình và thành danh, Đinh Duy Bê vẫn giữ phong cách sáng tác đó.

Tác phẩm của anh thường mang chiều sâu tư duy cảm thụ, nỗi niềm suy tư, chuyên chở và hòa quyện tình cảm của người chụp với số phận con người. “Sương đêm” mô tả nhà máy điện mờ mờ, ảo ảo, chập trùng trong sương. “Khắc khổ” đặc tả bà già dân tộc Chăm qua phương pháp phân sắc độ thể hiện được nét khắc khổ, chịu đựng… còn “Trông ngóng” có hai mẹ con ngồi trong ô cửa sổ của ngôi nhà sàn, tác giả chụp ở Quy Nhơn, người con là một phụ nữ trẻ, quay mặt vào tường dáng vẻ mệt mỏi còn bà mẹ tóc bạc phơ nhìn xa xăm, như trông ngóng người trụ cột, người chủ gia đình… dưới sông là một cái ghe mục nát bên những cột nhà xiêu vẹo do thiếu vắng bóng đàn ông!…

Đinh Duy Bê từng theo học các nhiếp ảnh gia tên tuổi thời bấy giờ, như Đinh Văn Anh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Bá Mậu, những người từng được giới nhiếp ảnh hồi đó suy tôn là các “ông vua buồng tối”. Và cũng chính nhờ được học trực tiếp các thầy này cộng với việc phát huy một cách sáng tạo, mang một ý tưởng mới nên Đinh Duy Bê gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nghệ thuật ảnh đen trắng.

Năm 1998, Hội những người chơi nhiếp ảnh (Image Colleague Society) Hoa Kỳ, còn gọi là Hội ảnh bạn Hoa Kỳ ICS tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật đen trắng lần thứ nhất. Nhiều nhiếp ảnh gia tên tuổi của 62 nước gửi ảnh tham dự. 10 giải thưởng đã được trao cho tác giả của 6 nước. Đinh Duy Bê là một trong hai người vinh dự mang về cho Việt Nam tấm huy chương vàng dành cho bộ ảnh xuất sắc, gồm 4 tác phẩm: Gió thu, Chút hơi tàn, Hè trên sóng cát và Trông ngóng. “Trông ngóng” từng được đem đi cọ xát, khẳng định và tôn vinh ở 5 cuộc thi khác nhau, trong đó hai lần được trưng bày triển lãm, ba lần đoạt giải thưởng.

Tác phẩm “Khắc khổ”

Đinh Duy Bê là người say mê khám phá kỹ thuật nhiếp ảnh. Đó là kỹ thuật phòng tối, chạy sáng và phân sắc độ -những độc chiêu kỹ thuật giúp anh đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và quốc gia về thể loại ảnh đen trắng. Anh đã từng viết một cuốn sách ảnh độc đáo gồm những tác phẩm ứng ý của mình mà các khâu từ trình bày, in ảnh và chữ chú thích đều được thực hiện bằng kỹ thuật buồng tối. Ngay từ năm 1973, Đinh Duy Bê đã nghiên cứu sâu những sách giáo khoa về nhiếp ảnh đen trắng và thành thạo kỹ thuật đặc biệt của phòng tối, nhưng anh chỉ coi đó là một cách, một phương tiện để khi cần thể hiện làm nổi rõ chủ đề hoặc hoàn chỉnh thêm tác phẩm mà khi chụp không có điều kiện thực hiện. Với anh, người chụp ảnh không phải bị động kỹ thuật mà chỉ huy kỹ thuật một cách chủ động, từng bước, để gây ấn tượng cho người xem bằng tác phẩm của mình ở phần hậu kỳ. Nói đến Đinh Duy Bê là nói đến tác giả của những tác phẩm qua hai lần sáng tạo. Anh rất say mê ảnh đen trắng, chẳng thế mà trên 30 năm cầm máy chụp ảnh nghệ thuật, Đinh Duy Bê vẫn chỉ thủy chung với thể loại này, dù có những thời điểm vật tư thể loại ảnh đen trắng gặp khó khăn, thiếu thốn.

Ngày mới bước vào nhiếp ảnh nghệ thuật, Đinh Duy Bê đã tâm niệm một điều và coi đó như một “tuyên ngôn”, nhiếp ảnh nghệ thuật bao la, phải tìm một con đường riêng, một hướng đi riêng cho mình, không nên đi theo vết của người khác. Và anh đã đi đúng con đường mình chọn, toàn tâm toàn ý với “tuyên ngôn” thuở ban đầu.