Đánh giá học sinh tiểu học:

Mỗi nơi làm một kiểu?

ANTD.VN - Hiện tại, giáo viên tiểu học trên cả nước đang triển khai Thông tư 22, sửa đổi, bổ sung từ Thông tư 30 và chính thức áp dụng cách đánh giá nhận xét mới vào cuối học kỳ I năm học này. Trong khi nhiều giáo viên phản hồi về sự thay đổi tích cực, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên thì có nơi lại lo ngại khi đầu việc được giao vẫn quá tải.

Thông tư 22 vẫn cần được đánh giá lại sau khi áp dụng từ học kỳ I năm học 2016-2017

Mỗi học sinh 10 bản nhận xét cuối kỳ?

Gần đến thời điểm tổng kết cuối học kỳ I, việc đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học theo Thông tư 22 chính thức được áp dụng với tất cả các khối tiểu học theo những quy định mới của Bộ GD-ĐT nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trước đó.

Những đánh giá ban đầu đều cho rằng Thông tư 22 giảm đáng kể áp lực sổ sách cho giáo viên nhưng tại một số địa phương, có ý kiến phản ánh lượng sổ sách phải nhận xét vẫn quá lớn, chiếm nhiều thời gian của giáo viên so với việc tập trung dạy học, hỗ trợ học sinh.

Theo đó, giáo viên vẫn được yêu cầu đánh giá mỗi học sinh theo 9 tiêu chí cho từng môn học. Như vậy, mỗi học sinh sẽ có trung bình 9 đến 10 bản đánh giá cho các môn học trên lớp. Một lớp có 40-50 học sinh thì giáo viên phải thực hiện 400-500 bản đánh giá. Với lớp 4, 5 sẽ yêu cầu đánh giá 4 lượt trong một năm học, nhân lên sẽ là 1.600-2.000 bản đánh giá mỗi lớp. 

Bên cạnh đó, vẫn có những yêu cầu từ hiệu trưởng hoặc phòng GD-ĐT về việc ngoài nhận xét trực tiếp học sinh trên lớp để chỉ ra cái đúng sai, thì giáo viên vẫn phải ghi nhận xét vào vở học sinh để phụ huynh nắm được tình hình của con, đồng thời ghi vào sổ theo dõi học sinh… Nếu làm theo cách này thì rõ ràng giáo viên không được giảm tải nhiều so với khi thực hiện Thông tư 30.

Chỉ đánh giá vào một bảng duy nhất

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định, thay vì có 5 loại sổ sách theo Thông tư 30 thì Thông tư 22 chỉ yêu cầu giáo viên thực hiện ghi chép vào Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

“Việc ghi chép của giáo viên cũng đã giảm thiểu theo thực tế. Trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn dành cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học, thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện” - ông Phạm Ngọc Định cho biết.

Tại Hà Nội, bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cho biết, Thông tư 22 thực tế giảm khá nhiều gánh nặng sổ sách cho giáo viên. Ngoài việc, không bắt buộc nhận xét bằng lời vào sổ theo dõi mỗi học sinh mỗi tháng thì việc áp dụng sổ liên lạc điện tử của Hà Nội cũng giảm thiểu cho giáo viên việc ghi tay vì đều có bản lưu điện tử.

Cô Nguyễn Hải Phương, một giáo viên tiểu học thuộc quận Thanh Xuân cho biết, nhà trường chỉ yêu cầu nhận xét với những trường hợp cá biệt, khi cần thiết thì ghi vào vở của các con nhưng không bắt buộc thực hiện định kỳ với tất cả học sinh. 

Về việc thực hiện đánh giá học sinh giữa kỳ và cuối kỳ, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, giáo viên chỉ thực hiện đánh giá học sinh vào một bản tổng hợp kết quả duy nhất cho tất cả các môn.

Bảng tổng hợp này cũng chia ra 3 mức đánh giá Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành thay vì phải nhận xét từng lời mỗi môn học. Do vậy, không có chuyện quá tải sổ sách với giáo viên như đã từng xảy ra khi triển khai Thông tư 30.

Có thể thấy, việc thực hiện Thông tư 22 đang được triển khai khác nhau, theo ý kiến chủ quan của các cấp quản lý. Thực hiện đúng theo yêu cầu của Thông tư 22, giáo viên chắc chắn sẽ không bị quá tải về ghi chép sổ sách… Tuy nhiên, do mới triển khai 1 tháng, theo bà Phạm Thị Yến, việc tìm ra những điểm chưa phù hợp thực tế trong Thông tư 22 để kiến nghị sửa đổi vẫn là điều cần quan tâm, thực hiện sau học kỳ I năm học này.