Mối nguy từ bệnh thành tích

ANTĐ - Bề ngoài, người Việt mình làm gì cũng lơ tơ mơ nhưng khi vào cuộc thực sự lại chứng tỏ khả năng “dời núi lấp bể” của mình.

- Bác thử ví dụ xem nào?

- Như việc thi thử THPT ở tỉnh Quảng Ngãi vừa rồi chẳng hạn, có trường 100% học sinh bị rớt, nhưng khi thi chính thức tỉnh này năm nào cũng đạt hơn 90%.

- Sao lại có chuyện chênh lệch một trời một vực thế nhỉ?

- Người mình vốn giỏi giang, hàng ngày “khiêm tốn” giấu đi khả năng, đến khi “lâm trận” mới đưa các “tuyệt kỹ” ra, khiến đối phương choáng ngợp.

- Tôi lại cho rằng, nhiều nơi mắc bệnh thành tích trầm trọng, khi thi cử thì chấm ẩu, chấm bừa, khiến cho nhiều em còn không đọc và viết nổi tên mình vẫn tốt nghiệp như thường.

- Có bác nói bừa nói ẩu thì có. Cả thế giới vừa rồi chẳng choáng váng khi họ xếp giáo dục Việt Nam đứng thứ 12 toàn cầu đấy thôi. Thế giới họ công bằng, minh bạch lắm.

- Thế giới họ không bị chi phối bởi bệnh thành tích, họ chỉ quan tâm đến thực chất dạy và học thôi. Chính vì thế mà tiêu chí các bảng xếp hạng của họ rất đơn giản, nơi thì chú trọng website của nhà trường đẹp không, có nhiều người truy cập không, nơi lại quan tâm đến thành tích thể thao, nên chúng ta chỉ cần đầu tư theo các tiêu chí đó là đứng hạng nhất ngay.

- Thì ra là vậy. Hóa ra, thấy con cái chúng ta đỗ đạt cao chớ vội mừng, nếu tỉ lệ thi trượt quá nhiều cũng không nên quá lo. Đấy chính là những bài học quý giá, bác nhỉ.

- Đúng thế, cái chính là chúng ta phải chữa được bệnh thành tích. Căn bệnh này có hại cho dân tộc không kém gì nạn tham nhũng đâu.

Tin cùng chuyên mục