Mỗi người dân an toàn, cả xã hội sẽ an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã hơn một tháng qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Đây là thành tích đáng tự hào song cũng là thách thức rất lớn trong bối cảnh đại dịch đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên bộ hàng nghìn km với nước ta.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đặc biệt đeo khẩu trang sẽ khiến mọi người dân an toàn hơn trong khi dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao

Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đặc biệt đeo khẩu trang sẽ khiến mọi người dân an toàn hơn trong khi dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao

Thành tựu từ sự hy sinh lớn

Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, tính tới 18h ngày 27-4, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) ở nước ta là 2.857 trường hợp. Ngoài 1.286 ca bệnh Covid-19 nhập cảnh, Việt Nam có tổng cộng 1.571 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 911 ca tại 14 tỉnh và thành phố, riêng tỉnh Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), TP.HCM (36 ca ), Hà Nội (34 ca), Gia Lai (27 ca), Bình Dương (6 ca), Bắc Ninh (5 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca), Điện Biên (3 ca), Bắc Giang (2 ca), Hoà Bình (2 ca) và Hà Giang (1 ca), và mới nhất là Yên Bái (1 ca).

Tính tới hết ngày 27-4, 10 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.HCM) đã 75 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Còn lại, Hà Nội đã 71 ngày và Hải Phòng 65 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; trong khi tỉnh có số ca lây nhiễm nhiều nhất trong làn sóng dịch vừa qua là Hải Dương cũng đã trải qua 35 ngày không phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Có thể nói đạt được kết quả đáng tự hào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên, chúng ta bên cạnh việc áp dụng những biện pháp đúng đắn, mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu, cũng đã phải chấp nhận những thiệt hại nhất định, nhất là về kinh tế. Ngay đợt dịch đầu tiên hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4-2020, chúng ra đã tiến hành thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều tỉnh, thành và khu vực rộng lớn, trong đó có thành phố Hà Nội, trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Trong đợt dịch thứ hai từ cuối tháng 7-2020, “tâm dịch” Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của cả nước, đã phải tiến hành giãn cách xã hội hơn một tháng, từ ngày 28-7 đến 5-9-2020. Trong “làn sóng dịch” thứ ba, từ cuối tháng 1-2021, cả tỉnh Hải Dương cũng tiến hành giãn cách xã hội trong thời gian hơn một tháng ở các mức độ khác nhau, trong đó có những khu vực thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, người dân chỉ được ra đường khi có nhu cầu thiết yếu.

Mỗi lần thực hiện giãn cách xã hội hay cách ly xã hội, dù nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hay nới lỏng hơn theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, thì đều ảnh hưởng nhất định tới kinh tế-xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân như người dân ở Hải Dương 3 ngày mới được đi chợ một lần để mua những hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt.

Thành quả chống dịch đáng tự hào, vì thế bên cạnh những biện pháp đúng đắn cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, còn có sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của người dân. Sự hy sinh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” do đó đã có đền đáp xứng đáng bằng thành tựu chống dịch được thế giới ghi nhận, đánh giá cao khi cả nước hơn 1 tháng qua không phát hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng cho dù đại dịch diễn biến phức tạp, khó lường tại các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ dài hàng nghìn km với nước ta, bên cạnh đó là các vùng biển rộng lớn.

Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ chống dịch

Việt Nam đã trải qua hơn 1 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng, đó là một kết quả đáng tự hào, một tín hiệu vô cùng tích cực. Tuy nhiên, hơn 1 tháng bình yên trong cộng đồng vừa qua đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở không ít người dân cũng như ở một số khâu của hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 tại nước ta.

Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số lễ hội, sự kiện tập trung quá đông người với mật độ dày đặc, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Điển hình là trường hợp hàng vạn người đi lễ tại chùa Tam Chúc (Ninh Bình) và mới nhất là tập trung ở biển Sầm Sơn để xem bắn pháo hoa tại Lễ hội Du lịch biển năm 2021.

Ghi nhận thực tế những ngày qua cho thấy, nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố, trong đó có các thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM có biểu hiện lơ là, chủ quan, không chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều người dân không đeo khẩu trang khi ra đường, nhiều trung tâm thương mại, nơi công cộng đông người dù có nhân viên đo thân nhiệt và nước sát khuẩn nhưng làm qua loa, lấy lệ…

Trong khi đó, nếu nhìn sang Ấn Độ, chúng ta đều đã biết một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến đại dịch Covid-19 bùng phát thành “cơn sóng thần” quét qua quốc gia đông dân thứ hai thế giới này là do sự chủ quan, mất cảnh giác khi tưởng đã kiểm soát được dịch bệnh. Việc hàng triệu người tham gia các lễ hội đông người, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch là nguyên nhân trực tiếp khiến dịch Covid-19 tái bùng phát với số ca mắc từ hơn 10 nghìn trường hợp lên hơn 300 nghìn trường hợp mỗi ngày hiện nay.

Vì thế, các lễ hội hay sự kiện tập trung đông người, cùng sự chủ quan, lơ là trong nước và dịch bệnh phức tạp rình rập ở biên giới rất có thể là những “cơ hội” tốt cho “sát thủ vô hình” - virus SARS-CoV-2 quay trở lại và bùng phát. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 26-4 đã chỉ rõ, trong xã hội đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Hạn chế các sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, TP.HCM… đã chủ trương không bắn pháo hoa dịp lễ 30-4 và 1-5, đồng thời kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần nghiêm túc nhất. Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 27-4 đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của thành phố, chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Đồng thời yêu cầu tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị tới mỗi người dân chúng ta đang đề cao cảnh giác, triển khai các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19. Trong cuộc chiến được xác định “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch” này, mỗi người dân chúng ta vì thế cần tự nâng cao ý thức phòng dịch cho chính mình và gia đình. Bởi mỗi người dân an toàn, nghĩa là cả xã hội và đất nước an toàn.