Mời nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đến Việt Nam: Chấp nhận lỗ để "chiều chuộng" khách hàng

ANTD.VN - Việc mời các nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn xưa nay vẫn được cho là sẽ giúp nhà tổ chức kiếm bộn tiền. Nhưng đằng sau đó là sự rủi ro mà bất cứ đơn vị nào cũng đều lường trước và chấp nhận.

Sau lần mạo hiểm đưa Peabo Bryson đến Việt Nam, đơn vị tổ chức chương trình này chưa có ý định mời thêm ngôi sao tầm cỡ thế giới nào 

Đánh cược với... sự cố!

Đêm diễn đỉnh cao của các nghệ sĩ lừng danh làng nhạc thế giới một thời - ban nhạc Boney M và thủ lĩnh của ban nhạc Smokie - Chris Norman vừa khép lại đầy ấn tượng tại Hà Nội. Hiếm có chương trình nào khai màn chậm tới cả tiếng rưỡi đồng hồ mà khán giả không bỏ về, cũng không phàn nàn la ó.

Nhưng chắc chắn trong một tiếng rưỡi đồng hồ đó, đơn vị tổ chức chương trình này đã trải qua những giây phút cực kỳ thót tim và hú vía, thậm chí nghĩ nát óc để tìm cách “chữa cháy” cho sự cố ngoài sức tưởng tượng này. 

Chris Norman quyết định biểu diễn Acoustic sau khi bàn “mixer” bất ngờ bị hỏng sát giờ diễn

Lý do của sự chậm trễ này nằm ngoài khả năng giải quyết của đơn vị tổ chức chương trình, bởi theo tìm hiểu được biết bàn mixer (bộ trộn âm thanh) của Chris Norman bỗng dưng bị hỏng ngay sát giờ diễn ra và không thể sửa được.

Đây là 1 trong 2 bộ mixer được đơn vị tổ chức thuê từ nước ngoài về để đáp ứng yêu cầu của Chris Norman và Boney M. Hai ban nhạc này đều yêu cầu có bộ mixer riêng, tất nhiên là phải đáp ứng tiêu chuẩn biểu diễn tại các “sô” trình diễn đẳng cấp thế giới.

Trước đó, theo thông tin từ đơn vị tổ chức chương trình này thì giá thuê 2 bộ mixer từ nước ngoài lên tới gần 2 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển về Việt Nam. Cũng bởi giá thuê đắt đỏ  nên không ai nghĩ tới việc bỏ tiền thuê thêm thiết bị dự phòng.

Chính vì vậy, khi bàn mixer của Chris Norman bị trục trặc, nam danh ca này buộc phải ra sân khấu hát Acoustic (hát mộc với guitar) vì không có đồ thay thế. Có điều, chính bản lĩnh và phong độ tuyệt vời của Chris Norman sau đó đã khiến khán giả hoàn toàn bị thuyết phục mà quên đi sự cố đáng tiếc. 

Không chỉ để bán vé?

Trở lại với những đòi hỏi mà Boney M hay Chris Norman đặt ra khi nhận lời đến Việt Nam biểu diễn, ngoài bộ mixer riêng thì còn rất nhiều yêu cầu khác về kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng, sân khấu, thậm chí là đạo cụ chơi cùng như trống cũng phải đạt chất lượng đẳng cấp thế giới.

Tất nhiên chi phí để đáp ứng những yêu cầu này không hề nhỏ, chưa kể kèm theo đó là việc phải thuê cả các chuyên gia âm thanh nước ngoài để lắp đặt và dàn dựng, rồi phải mời thêm một vài nghệ sĩ, thậm chí là cả ban nhạc quốc tế đi kèm theo yêu cầu của nhân vật chính. Song cái chính là  số tiền này chưa thấm vào đâu so với tiền “cát-sê” mà các đơn vị này phải trả để đổi lấy cái gật đầu từ các “ngôi sao” thế giới. 

Với những điều kiện trên, nếu tổ chức chương trình với mục đích bán vé làm thương mại thì chắc chắn chẳng đơn vị nào đứng ra làm. Vé xem các chương trình dao động khoảng 5-6 triệu đồng/vé, mức giá này nếu so với nhiều “sô” diễn của các ngôi sao đình đám trong showbiz Việt thậm chí còn thấp hơn. Nếu nói về bài toán kinh tế thì rõ ràng, để kiếm lời từ những “sô” ngoại thế này là khó khả thi.

Đó là lý do mà người trong giới vẫn bảo nhau rằng nếu không có “Mạnh Thường Quân” và chính những người này sẵn sàng chịu lỗ để làm, thì khán giả Việt Nam còn lâu lắm mới có dịp thưởng thức những chương trình nghệ thuật đẳng cấp thế giới.

Bản thân đạo diễn Việt Tú - một trong những người ấp ủ đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn cũng thừa nhận nghệ sĩ càng đẳng cấp thì chi phí tổ chức càng tốn kém và khả năng lợi nhuận của nhà tổ chức càng thấp đến mức không tưởng. 

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, việc mời các nghệ sĩ, nhóm nhạc quốc tế đến Việt Nam như: Richard Clayman, Kenny G… kể cả Boney M, Chris Norman và sắp tới là nhóm nhạc huyền thoại  Modern Talking đều do các ngân hàng đứng ra phối hợp với một đơn vị uy tín về tổ chức sự kiện nghệ thuật thực hiện là IB Group.

Trong một lần gặp gỡ báo chí, đại diện của một ngân hàng từng thẳng thắn thừa nhận khả năng thu lợi từ việc tổ chức các sự kiện này là không cao, rằng họ chỉ có thể lãi về mặt tình cảm của khán giả, đồng thời chia sẻ kinh phí để tổ chức nằm trong quỹ dành riêng cho việc làm truyền thông thương hiệu của ngân hàng.

Cũng chính vì mục đích này nên đối tượng nghệ sĩ mà các đơn vị này chọn mời sang Việt Nam biểu diễn thường là để đáp ứng thị hiếu của khán giả lứa tuổi trung niên, cũng được xem là đối tượng khách hàng chính để các đơn vị này tri ân hay nói cách khác là “chiều chuộng” nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Từng có một nhà tổ chức tư nhân là Công ty Mỹ Thanh tự bỏ tiền ra để mời Peabo Bryson - “ông hoàng” của những bản tình ca thế giới đến Hà Nội và TP.HCM biểu diễn. Tuy nhiên, đêm diễn tại TP.HCM cuối cùng đã phải hủy vì không bán được vé. Còn sau nỗ lực tổ chức đêm diễn duy nhất tại Hà Nội, từ đó đến nay không thấy đơn vị này đả động đến việc làm các chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ nước ngoài.

Âu cũng chỉ loanh quanh vì chuyện lỗ lãi. Bởi xét cho cùng, đây không hẳn là cuộc chơi nghệ thuật hay thương mại, mà là cuộc phô trương thanh thế và quảng bá thương hiệu thông qua nghệ thuật. Vì thế bán vé để có lãi là điều không tưởng.