Mỗi năm cả nước có thêm 16.000 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh

ANTĐ -Theo thống kê hiện nay, hàng năm tại Việt Nam có khoảng 16.000 trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh được sinh ra, số mắc mới đang có xu hướng ngày càng tăng. Đáng chú ý, đa phần trẻ mắc tim bẩm sinh được phát hiện muộn.

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị siêu âm đánh giá các bệnh van tim và chức năng tim ở trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, do Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Tổ chức phi Chính phủ MD1 Word tổ chức sáng 13-1. PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là đa phần trẻ em mắc tim bẩm sinh được phát hiện muộn, thường chỉ phát hiện khi đã có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt, dẫn đến biến chứng nặng và hiệu quả điều trị giảm. 

Siêu âm tim là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh

Theo TS Lê Thanh Hải, trong số 16.000 trẻ em mắc tim bẩm sinh được phát hiện mới mỗi năm, bệnh lý van tim là một trong những bệnh lý phức tạp và gặp nhiều nhất, đây cũng là bệnh lý gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Lý do vì kích thước tim của trẻ em nhỏ hơn từ 2-3 lần so với tim người trưởng thành, đặc biệt là ở những trường hợp cân nặng thấp. Trong khi đó, việc đánh giá chính xác thương tổn, xác định khả năng can thiệp và phương pháp can thiệp sẽ góp phần quyết định vào thành công của ca phẫu thuật.

Ngoài ra, cấu trúc tim của trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn không giống với tim người bình thường, do đó vấn đề xác định chức năng tim ở trẻ mắc tim bẩm sinh bằng phương pháp siêu âm là đặc biệt quan trọng trong tiên lượng kết quả điều trị. TS Lê Thanh Hải chia sẻ, hiện bệnh viện đã triển khai các biện pháp và chiến dịch sàng lọc giúp phát hiện tim bẩm sinh ngay từ khi mang thai, tiến tới trong tương lai sẽ có thể can thiệp tim mạch cho những trẻ mắc tim bẩm sinh ngay từ khi trong bào thai.

Trong 10 năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã mổ tim hở cho trên 3.100 trẻ mắc tim bẩm sinh, trong đó có 59 trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong chung trong các ca mổ này vẫn ở mức 6%.