Mỗi năm 3,2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí

ANTĐ - Ô nhiễm môi trường không khí đến từ nhiều nguyên nhân đang đe dọa sự sống của người dân thế giới. Từ châu Âu, châu Á đến châu Phi đang phải đối diện với bài toán đẩy lùi ô nhiễm bởi khói bụi đến từ các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông… Theo một báo cáo quốc tế mới đây, những chứng bệnh có liên quan đến ô nhiễm đang giết chết 3,2 triệu người mỗi năm, trong đó 2/3 nạn nhân ở châu Á.

Tạp chí y khoa Lancet cho biết, mỗi năm ở châu Á có khoảng 2,1 triệu người chết sớm vì không khí ô nhiễm. Còn theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), riêng ở khu vực Đông Nam Á mỗi năm có 700.000 người chết sớm vì liên quan đến ô nhiễm không khí. Ở Mỹ, ô nhiễm môi trường làm 200.000 người chết mỗi năm, trong đó California chiếm 21.000 trường hợp. Ở Ấn Độ, có đến 180 thành phố có mức ô nhiễm cao gấp 6 lần mức quy định tối đa của WHO. Nước này là quốc gia có số người chết vì ô nhiễm nhiều thứ 5 trên thế giới. Trên toàn châu Âu, số người chết mỗi năm vì ô nhiễm là 100.000 người. Riêng ở Anh, Đức, Pháp, con số này là 29.000 người.

Giữa tháng 3 này, khu vực miền Bắc nước Pháp, trong đó có vùng Ile-de-France, phải đối mặt với mức độ ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cộng thêm không có gió đã khiến các phân tử độc hại siêu nhỏ không thể phát tán mà lưu lại trong không khí với mật độ dày đặc. Ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí bị coi là nặng nề nhất châu Âu và đã lên tới mức báo động, Chính phủ Pháp đã có những biện pháp cực kỳ mạnh tay để hạn chế giao thông. Kể từ ngày 17-3 tại khu vực Ile-de-France bao gồm Thủ đô Paris: lái xe tại Pháp không được phép sử dụng xe vào các ngày thứ Hai, thậm chí chính quyền còn áp dụng cả quy định xe biển chẵn biển lẻ vào nội đô. 

Ngày 26-3-2014, Tân Hoa xã cho biết sương mù, khói bụi dày đặc tiếp tục bao phủ nhiều vùng ở Trung Quốc khiến hàng chục chuyến bay bị huỷ bỏ và một số tuyến đường cao tốc, một số lộ trình xe bus cũng phải dừng hoạt động vì tầm nhìn xa chỉ  còn 10 mét. Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc phải đối diện với ô nhiễm không khí do chính mình gây ra. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Bắc Kinh đã thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng, với khói và bụi trùng trùng lớp lớp bao phủ toàn bộ 6 tỉnh miền Nam trong những tuần vừa qua. Tổng cộng có 19 thành phố bị xác định vượt chuẩn an toàn của WHO về mức độ ô nhiễm. Nước này đang vật lộn để đưa ngành công nghiệp lớn phát triển hơn, nhưng ngành công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. 

Giáo sư He Dongxian, Trường ĐH Nông nghiệp Trung Quốc, nói với tờ South China Morning Post: “Nếu tình trạng ô nhiễm không khí và lượng khói bụi dày đặc che kín cả bầu trời hiện nay ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn, chúng ta có thể sẽ trải qua một điều gì đó tương tự như “Mùa đông hạt nhân”. “Mùa đông hạt nhân” là một giả thuyết mà các nhà khoa học Mỹ đưa ra vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Họ cho rằng, sau chiến tranh hạt nhân, thời tiết và khí hậu trái đất sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Đại chiến hạt nhân sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt trái đất giảm mạnh. Nhiệt độ dưới 0 độ C sẽ kéo dài liên tục nhiều tháng.

Mức độ ô nhiễm ở New Delhi 1 trong 2 biểu tượng của tăng trưởng châu Á cũng không kém gì ở Bắc Kinh. Cả 2 thành phố cùng chung đặc điểm phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng đổi lại là môi trường trở nên kiệt quệ. Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ (CSE), New Delhi đã qua mặt Bắc Kinh để đạt “danh hiệu” thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Bất kỳ ai đang sống ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng phải suy nghĩ thật kỹ trước khi hít thở sâu. 

Một nghiên cứu mới của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ cho biết ngành công nghiệp của Trung Quốc đã “xuất khẩu” không khí ô nhiễm đến Mỹ thông qua Thái Bình Dương. Theo nghiên cứu, trong một số thời điểm, gần 1/4 các chất ô nhiễm có trong không khí tại các bang California, Oregon, Washington và Portland có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt nguồn từ quá trình sản xuất vô tuyến, đồ chơi, điện thoại cầm tay và các sản phẩm xuất khẩu khác. Ông Steve Davis, nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp California, Irvine và là đồng tác giả nghiên cứu trên, đúc kết: “Chúng ta xuất khẩu sản xuất và cả ô nhiễm nhưng một phần ô nhiễm đó đang quay ngược lại nước Mỹ qua Thái Bình Dương”.

WHO tuần qua công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết trong năm 2012 trên phạm vi toàn cầu đã có tới 7 triệu người bị chết vì ô nhiễm không khí, và ô nhiễm không khí đã trở thành mối nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe con người. Cứ 8 ca tử vong trên thế giới năm 2012 có 1 ca liên quan đến ô nhiễm không khí. Báo cáo của WHO nêu rõ các nước nghèo và thu nhập trung bình ở Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương chịu tác động nặng nề nhất với 3,3 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 ca tử vong vì ô nhiễm ngoài trời năm 2012. Flavia Bustreo, chuyên gia về sức khỏe gia đình của WHO, cho biết phụ nữ và trẻ em ở các nước nghèo thường đối mặt với nguy cơ sức khỏe trong nhà nhiều nhất “vì dành nhiều thời gian ở nhà hít thở khói và bụi than từ các lò than và củi nấu nướng”. 

Điều này cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường giảm thiểu ô nhiễm bên trong và bên ngoài nơi ở của người dân, để có thể giúp cứu hàng triệu mạng sống trong tương lai.