Mối lo “thâu tóm”

ANTĐ - Đó là mối lo của không ít người tại châu Âu trước làn sóng thâu tóm khá rầm rộ của các công ty “nhà giàu mới nổi” đến từ Trung Quốc đối với những tập đoàn hay công ty của châu Âu đang lâm vào khốn khó bởi cuộc khủng hoảng nợ công.

Công ty Putzmeister đã bị công ty của Trung Quốc mua lại

Cuộc khủng hoảng nợ công tác động mạnh tới nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trước hết là những doanh nghiệp vốn là đối tượng phải “giơ đầu chịu báng” đầu tiên. Thế nhưng, chính sự khó khăn của các doanh nghiệp châu Âu lại mở ra những cơ hội làm ăn béo bở cho các tập đoàn kinh tế Trung Quốc vốn đang rất rủng rỉnh tiền bạc thời khủng hoảng.

Những cuộc săn lùng, mặc cả để mua lại các doanh nghiệp châu Âu đang rơi vào tình trạng tài chính bi đát của giới đầu tư đến từ Trung Quốc diễn ra náo nhiệt tới mức đã tạo ra một làn sóng thâu tóm khiến không chỉ châu Âu mà cả thế giới phải lo ngại. Từ điện, năng lượng, ô tô, cơ khí, công nghệ cao, tài chính… cho đến các công ty đóng du thuyền hạng sang… đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Các nhà đầu tư Trung Quốc nhiều vốn tới mức những công ty, tập đoàn châu Âu mà họ mua lại “bèo” cũng trị giá hàng trăm triệu euro, còn nhiều cỡ hàng tỷ euro.  Thỏa thuận gần đây nhất là giữa China State Grid mua 25% cổ phần của công ty điện lưới quốc gia Bồ Đào Nha với giá 387 triệu euro. Trong khi đó, mới đầu tuần trước, công ty thiết bị xây dựng Sany Heavy Industry (Trung Quốc) cũng đã mua công ty cơ khí Putzmeister (Đức) với giá chưa công bố.

Một trong những thương vụ “đình đám” nhất thời gian qua là việc quỹ đầu tư quốc gia China Investment Corp (Trung Quốc) trị giá 400 tỷ USD cam kết đầu tư một lượng lớn ngoại tệ để mua cổ phần của công ty điện Thames Water (Anh). Gây chú ý không kém là thương vụ Công ty Xinmao của Trung Quốc hạ “nốc ao” hai đối thủ là Nexans của Pháp và Prysmian của Italia khi mua lại hãng sản xuất cáp viễn thông lớn thứ 3 châu Âu Draka của Hà Lan với giá “trên trời” thời khủng hoảng là 1,3 tỷ USD.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh mua lại các công ty nắm giữ các vị trí trọng yếu trong nền kinh tế châu Âu đã làm dấy lên nỗi lo ngại tại châu lục này rằng Bắc Kinh có thể giành được quá nhiều ảnh hưởng tại đây. Tuy nhiên, để trấn an mối lo ngại này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa khẳng định rằng nước này không có khả năng cũng như ý định “mua châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay”.