Mối lo nợ công

ANTĐ - Nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn Việt Nam, nhưng lại không đáng lo ngại, bởi họ sử dụng tiền vay một cách hiệu quả. Còn ở Việt Nam, nợ công đang là mối lo lớn khi mà chi tiêu từ các khoản vay này dành rất ít cho đầu tư công.

Cần tăng cường hiệu quả đầu tư công

Chi cho tiêu dùng tăng

Chia sẻ tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu mới diễn ra, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, chi tiêu công của Việt Nam có khuynh hướng mất kiểm soát. “Chi phí ngân sách tăng lên nhưng gần đây, đầu tư công đã giảm mạnh mà chi tiêu thường xuyên lại tăng nhanh, chứng tỏ chi tiêu công chủ yếu ở lĩnh vực tiêu dùng”- ông Nguyễn Đức Thành nói. Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu công dành cho tiêu dùng một khi đã tăng thì rất khó giảm, bởi nó liên quan đến chi tiêu cho lương, chi thường xuyên cho chính quyền địa phương, nên không thể giảm các khoản này mà chỉ tăng theo lộ trình. Đây là một thách thức của nền kinh tế vì Việt Nam đang vay nợ để tiêu dùng.

Tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nợ công Việt Nam đã lên đến khoảng 90 tỉ USD, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước thì khoảng 180 tỉ USD. Giả sử một nửa số nợ công 90 tỉ USD là 45 tỉ USD vay trong nước với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm nền kinh tế phải bỏ ra khoảng 4-5 tỉ USD trả lãi. Khoảng 45 tỉ USD vay nước ngoài với lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỉ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm.

Theo kế hoạch của năm 2014, Chính phủ tiếp tục vay trong nước 367.000 tỉ đồng. Song song với đó, số tiền để trả nợ cũng lên tới 208.883 tỉ đồng. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khi còn nhiều điểm nghẽn tăng trưởng thì việc phải vay nợ để đầu tư là điều bất khả kháng. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sử dụng đồng tiền vay một cách hiệu quả. Đồng vốn vay nợ khi tung ra cho các công trình xây dựng hạ tầng phải được lựa chọn. Dự án khi quyết định đầu tư cần xét đến khả năng trả nợ và hiệu quả làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quản lý chi tiêu công

Trên thế giới, nhiều quốc ia có tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ví dụ, nợ công của Nhật Bản đang ở mức 200% GDP, trong khi đó, theo Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng cho phép, dưới 60% GDP. Và thông thường, mỗi quốc gia khi công bố con số nợ công đều đã tính đến phương án để trả nợ. Bản chất của nợ công không xấu, nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế, đòi hỏi phải được xem xét, đánh giá toàn diện. Mặt khác, con số nợ công/GDP chiếm tỷ lệ bao nhiêu không quan trọng mà vấn đề nằm ở chỗ, đồng nợ công đó được sử dụng như thế nào, có hiệu quả đối với nền kinh tế hay không? Đây là câu hỏi khó trả lời khi mà đầu tư công tại Việt Nam kém hiệu quả và chi cho tiêu dùng có chiều hướng gia tăng. 

Làm thế nào để hạn chế rủi ro từ nợ công? Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, quan trọng nhất là phải minh bạch và chuẩn hóa nợ công. “Khi nền kinh tế xác định được chính xác con số nợ công ra sao thì mới có thể giải quyết được tận gốc nợ công. Chúng ta không thể so sánh một quả táo với một quả cam, mà phải so sánh quả cam với quả cam để tìm sự tương đồng. Khi nợ công vẫn được tính theo kiểu nước nổi thuyền lên, né tránh các ranh giới cảnh báo thì rất nguy hiểm” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, cần quản lý được nợ công ở cấp địa phương để tránh “biến hóa” linh hoạt nợ công vào các khoản thuế. Nói cách khác, phải kiểm soát được phần nợ đọng xây dựng đang tồn lại ở các cấp cơ sở như xây dựng trụ sở, xây dựng cầu đường. 

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ KH-ĐT) cho rằng, kế hoạch giải quyết nợ công phải gắn với tiến trình xử lý nợ xấu, kích tổng cầu…