Mối lo khó hóa giải

ANTD.VN - Trước nguy cơ khủng bố chưa khi nào lắng dịu, Nghị viện châu Âu (EP) vừa phải thông qua một văn bản quy định tăng cường kiểm soát các công dân của chính mình và công dân các nước thứ ba nhập cảnh vào lãnh thổ châu lục.

Tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố tại Paris - Pháp hồi tháng 10-2016

Có một thực tế đáng buồn là thời gian qua, phần lớn những vụ tấn công khủng bố xảy ra trên lãnh thổ châu Âu là do các công dân châu Âu thực hiện, trong đó một số là các chiến binh đã từng tham gia thánh chiến tại nước ngoài. Ước tính, khoảng 5.000 công dân châu Âu cực đoan có thể đã đến chiến đấu tại Syria và Iraq. Phần lớn trong số này xuất thân từ 4 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là Pháp, Anh, Đức và Bỉ.

Những diễn biến trên chiến trường Syria và Iraq cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ngày càng thất thế, liên tục bị đẩy lùi khỏi các địa bàn chiến lược. Không loại trừ khả năng trong những tháng tới, nếu IS tiếp tục gặp khó khăn, số lượng chiến binh tham gia thánh chiến tìm đường quay trở lại châu Âu có thể sẽ tăng lên.

Cùng với đó, hiện tượng “sói đơn độc”, ám chỉ những kẻ khủng bố hoạt động riêng rẽ, mang nhiều tính tự phát đã và đang trở thành một bài toán nan giải với châu Âu. Năm ngoái tại Đức, một đối tượng đã lao vào tấn công các hành khách đi tàu bằng rìu và dao khiến 3 người bị thương nặng.

Không riêng gì Đức, nước Pháp cũng đã hứng chịu một vụ khủng bố kiểu “sói đơn độc”. Tên khủng bố tại thành phố Nice đã một mình lái xe đâm vào đám đông và xả súng khiến 84 người thiệt mạng. Các cuộc tấn công do những kẻ cuồng tín này tiến hành đơn độc gây rất nhiều khó khăn cho việc thực hiện công tác phòng ngừa của nhà chức trách.

Mối đe dọa lớn như vậy nhưng trên thực tế, châu Âu vẫn chưa xây dựng được các biện pháp hữu hiệu nhằm chống lại những kẻ khủng bố đã xâm nhập hoặc sinh ra trên chính lãnh thổ các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh hiểm họa khủng bố leo thang ở châu Âu, giới chuyên gia tin rằng sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực từng rất hòa bình này không chỉ bắt nguồn từ môi trường láng giềng bất ổn, mà còn từ những vấn đề xã hội ở ngay trong lòng châu Âu.

Có lẽ đó là lý do khiến Nghị viện châu Âu (EP) phải thông qua quy định tăng cường kiểm soát các công dân của chính mình và công dân các nước thứ ba nhập cảnh vào lãnh thổ châu lục. Văn bản đề xuất truy tố hình sự đối với hành động lên kế hoạch hay chuẩn bị các vụ tấn công. Ví dụ, việc các cá nhân mượn cớ đi du lịch ra nước ngoài để đến Syria gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc đến một nước châu Âu khác để thực hiện tấn công, từ nay sẽ bị khép vào tội hình sự.

Văn bản này cũng xếp các hành vi thực hiện đào tạo hay được đào tạo để trở thành khủng bố, thu thập nguồn tài chính với ý định sử dụng hoặc tài trợ cho mục đích tấn công khủng bố… vào mục tội phạm hình sự. Cuối cùng là hành vi cổ súy cho khủng bố như việc ca ngợi những kẻ khủng bố hoặc có hành động tuyên truyền kích động khủng bố trên mạng cũng thuộc hành vi phạm tội hình sự.

Với 498 phiếu thuận, 114 phiếu chống và 29 phiếu trắng, quy định trên đã được thông qua, thể hiện quyết tâm mạnh tay với khủng bố của châu Âu. Các nước thành viên có 18 tháng để đưa các nội dung của chỉ thị vừa được thông qua vào hệ thống luật pháp của nước mình. Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn này có hóa giải được mối lo khủng bố hay không thì còn chưa rõ.