Mối lo giá lương thực

ANTĐ - Lần đầu tiên kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực trầm trọng hồi tháng 8-2012, giá lương thực toàn cầu lại tăng mạnh trở lại, khiến người ta lo ngại về những hệ quả sắp tới.

Hạn hán là một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực lên cao

Trong báo cáo “Theo dõi giá lương thực” hàng quý công bố ngày 29-5 vừa qua, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết 3 tháng đầu năm nay, giá lương thực toàn cầu đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá lúa mỳ tăng 18%, giá ngô tăng 12%, dầu đậu nành tăng 6% và đường tăng 13%, trong khi giá gạo giảm 12%. Hậu quả là chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 4 vừa qua chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 16% so với mức kỷ lục hồi giữa năm 2012. 

Theo các chuyên gia WB, nguyên nhân khiến giá lương thực biến động mạnh chủ yếu là do sản lượng ngũ cốc giảm vì thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và nắng nóng kéo dài ở Mỹ, trong khi nhu cầu toàn cầu tăng cao - đặc biệt ở Trung Quốc, và những biến động địa chính trị trên thế giới. Tình hình hỗn loạn ở vựa ngũ cốc lớn của Đông Âu – Ukraine, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 6 và xuất khẩu ngô lớn thứ 3 trên thế giới, đã khiến giá lúa mỳ tăng 37%, giá ngô tăng 73%. Tại những nước đang gặp khó khăn về chính trị và kinh tế, giá lương thực cũng biến động mạnh. Chẳng hạn tại Argentina, giá lúa mỳ đã tăng 70% so với cách đây một năm.

Tất nhiên giá lương thực thế giới tăng sẽ đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người nghèo đói trên thế giới, đặc biệt tại các khu vực dễ tổn thương. Nhìn lại quá khứ, theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), trong 6 năm qua, giá cả tăng cao đã khiến hơn 1 tỷ dân số thế giới không có đủ lương thực để đáp ứng yêu cầu chế độ ăn uống hằng ngày. Còn các nhà nghiên cứu của WB thì ước tính chỉ riêng trong 6 tháng cuối năm 2010, đã có thêm 44 triệu người rơi vào ngưỡng nghèo đói cùng cực do giá lương thực tăng.

Thực tế thì phần đông dân chúng ở các nước đang phát triển phải dành tới 50 - 75% thu nhập của họ để mua lương thực, thực phẩm. Chính vì thế, giá lương thực tăng đột biến sẽ làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng một cách nhanh chóng. Hơn nữa, khi giá lương thực tăng cao, áp lực về bữa ăn hằng ngày sẽ buộc nhiều người phải bán dần tài sản, tư liệu sản xuất, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.

Trong dài hạn, giá lương thực tăng cao có thể gây ảnh hưởng đến các nỗ lực xóa đói giảm nghèo toàn cầu mà LHQ đang phấn đấu. Lạm phát giá lương thực có thể khiến các quốc gia thiếu lương thực hoảng loạn mua thêm và đẩy mạnh tích trữ các sản phẩm lương thực, khiến tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Nói rộng hơn, hậu quả của các chính sách hạn chế xuất khẩu, mua và tích trữ lương thực như vậy có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng về giá lương thực, tác động đến an ninh toàn cầu.

Thậm chí khủng hoảng giá lương thực có thể gây ra các cuộc cướp bóc lương thực và nhiều vấn đề xã hội khác. Trên cơ sở nghiên cứu sự liên quan tình trạng bạo loạn trên thế giới với sự thay đổi giá lương thực từ số liệu của LHQ, Giáo sư Yaneer Bar-Yam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hệ thống Phức hợp New England, cho rằng mặc dù các vụ bạo loạn là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thất bại của các chính phủ đã tồn tại trong một thời gian dài, tuy nhiên, sự gia tăng giá lương thực cũng chính là “giọt nước làm tràn ly”. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, giá lương thực có thể gây những biến động khó lường trên thế giới.