Mối hiểm nguy quanh những vòng xe

ANTĐ - Có theo dọc hành trình, chứng kiến cảnh dầm mưa dãi nắng cùng những chấn thương mà các tay đua gặp phải mới thấu hiểu được sự khắc nghiệt của môn đua xe đạp. Vất vả, hiểm nguy là thế song nhiều người vẫn gắn bó để thỏa mãn niềm đam mê. 

Mối hiểm nguy quanh những vòng xe ảnh 1


Thâm niên tính bằng... sẹo

So với các bộ môn khác, môi trường tập luyện thi đấu của môn đua xe đạp có lẽ khắc nghiệt nhất. Bất kể nắng mưa, các cua-rơ vẫn đều đặn mỗi ngày tập luyện trên 100km với VĐV nam và nữ là 80km, hay khi thi đấu có giải lộ trình dài tới cả nghìn cây số. Và trong suốt hành trình đó luôn tiềm ẩn những rủi ro, tai nạn. Dân đua xe đạp coi tai nạn là chuyện… vặt vãnh và xảy ra như cơm bữa. Có thể là những tai nạn kiểu “trên trời rơi xuống” như vấp phải một cục gạch, hòn sỏi hay đôi khi là một chú chó bất chợt chạy ngang qua cũng có thể khiến cua-rơ gặp tai nạn. Nguy hiểm hơn là những tai nạn theo kiểu “dây chuyền” khi bất cứ tay đua nào cũng có thể trở thành nạn nhân trong sự cạnh tranh quyết liệt và tốc độ đua lên tới gần 100km/h. Chuyện chầy xước, gãy răng, gãy xương là một phần không thể thiếu trong nghiệp VĐV xe đạp. Thế nên bên cạnh việc căn cứ theo màu da (thông thường các tay đua kỳ cựu nước da sẽ đen hơn người mới vào nghề), thâm niên của một VĐV xe đạp còn được tính theo… số sẹo trên người. 

Xót xe hơn xót người

Thông thường xe đua có giá dao động từ 120 đến gần 300 triệu đồng/chiếc. Với các VĐV thì đó là một tài sản lớn và được họ chăm chút, gìn giữ như báu vật. Cứ sau mỗi buổi tập, các VĐV lại đem xe ra lau chùi, tra dầu mỡ. Với dân đua xe đạp, tuyệt nhiên không có chuyện cho người ngoài mượn xe, còn khi thi đấu, tất cả đều mang theo xe vào phòng ngủ bởi như lời một tay đua thì “phải ngủ cùng xe mới thấy yên tâm”. Chỉ cần xe xuất hiện một vết xước cũng khiến chủ nhân của nó mất ăn, mất ngủ. “Xót nhất là lúc bị tai nạn. Nhìn chiếc xe bẹp rúm còn đau hơn những vết đau thể xác. Thậm chí nhiều anh em tai nạn đến hôn mê bất tỉnh, khi vào bệnh viện chỉ chăm chăm hỏi han “sức khỏe” chiếc xe của mình”, tuyển thủ Bùi Minh Thụy chia sẻ. Bên cạnh giá trị vật chất, với các VĐV đua xe đạp, chiếc xe như một người bạn rong ruổi khắp mọi nẻo đường, có chiếc gắn bó với chủ nhân cả chục năm trời. Việc phải đổi xe hay thay thế phụ tùng chỉ là trường hợp bất khả kháng, bởi ngoài tình cảm gắn bó, nhiều chiếc xe đua còn mang lại may mắn. 

Những phẩm chất đáng trân trọng

So với các bộ môn khác, VĐV xe đạp được xem là hiền lành nhất. Ngày ngày rong ruổi trên đường, làm bạn đồng hành cùng nắng mưa. Tối đến lại bỏ xe ra lau chùi, rồi đi ngủ sớm để dưỡng sức cho ngày mai. Ngay cả khi thi đấu xa nhà, có thời gian thăm thú các danh lam thắng cảnh song chẳng mấy VĐV mặn mà. Mục đích duy nhất chỉ là làm sao tập luyện, thi đấu đạt thành tích thật tốt. Có theo dọc hành trình mới cảm nhận được sự khắc nghiệt mà các tay đua phải trải qua. Từ cái lạnh buốt những buổi mưa phùn mùa đông, cho tới cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè. Cực nhất là khi gặp tai nạn, vết thương rỉ máu pha lẫn bụi bặm và những giọt mồ hôi, cảm giác xót thấu xương. Nhưng cũng chính sự khắc nghiệt đó đã hun đúc cho các VĐV sức chịu đựng lẫn nghị lực. Đã 9 năm trôi qua, song làng xe đạp Việt Nam vẫn chưa quên cái chết thương tâm của tuyển thủ Đỗ Xuân Tâm tại giải tiền SEA Games 22. Xuân Tâm đã lấy hết sức bình sinh cho những mét băng đồng cuối cùng, kiệt sức rồi tử nạn và trở thành tấm gương sáng chói của nghị lực, niềm đam mê đua xe đạp. Ở đó, sức mạnh ý chí đôi khi vượt qua cả giới hạn sức lực một con người.  

Gió núi, mưa rừng và những cung đường hiểm trở là bạn đồng hành của VĐV xe đạp.