Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm:

Mới có danh sách không thể quy kết là vi phạm pháp luật

ANTĐ - Liên quan tới việc gần 200 cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có tên trong dữ liệu "Hồ sơ Panama", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: "Mới có danh sách không thể quy kết là vi phạm pháp luật"

Mới có danh sách không thể quy kết là vi phạm pháp luật ảnh 1Dư luận mong muốn danh sách các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam xuất hiện trong "Hồ sơ Panama" được làm rõ

-Việc gần 200 cá nhân , tổ chức tại Việt Nam có tên trong dữ liệu “Hồ sơ Panama” khiến dư luận hết sức quan tâm. Theo ông, sự việc này cần nhìn nhận như thế nào để đảm bảo tính khách quan? 

“Hồ sơ Panama” là một vụ việc gây chấn động thế giới với nhiều thông tin cho thấy  hành vi trốn thuế, rửa tiền. Các doanh nghiệp đã lợi dụng những “thiên đường thuế” để mở công ty, chuyển tiền, đầu tư ra các nước khác mà vẫn tránh được những khoản thuế rất lớn. Đáng chú ý nhất là việc các cá nhân, tổ chức trốn thuế và rửa tiền mà các quốc gia đang lên án.

Tuy nhiên, còn một khía cạnh nữa là tất cả cá nhân, doanh nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền chuyển tiền ra nước ngoài, mở tài khoản ở nước ngoài. Đây là quyền tự do của mỗi doanh nghiệp hoặc doanh nhân để có thể bảo quản, sinh lời, tránh rủi ro cho tài sản.

Trừ khi việc gửi tiền có ý đồ trốn tránh đóng thuế, giấu giiếm các thu nhập bất hợp pháp như tham nhũng, rửa tiền... vi phạm pháp luật thì phải chú ý xem xét. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì phải xử lý rất nghiêm.

Như vậy, không thể lấy danh sách gửi tiền ở nước ngoài, mở tài khoản ở nước ngoài để kết luận ngay là đã vi phạm pháp luật hay cho rằng đó là những đồng tiền “bẩn”, không chính đáng. Kể cả các khoản này được gửi tại các “thiên đường thuế” cũng cần phải xác minh, kết luận theo luật pháp quốc gia cũng như quốc tế.

Muốn phân biệt như đã nêu ở trên, các cơ quan chức năng đã có danh sách có thực với họ tên, địa chỉ như một tài liệu tham khảo.

- Hiện nay việc kiểm soát đầu tư, chuyển tiền ra nước ngoài được thực hiện như thế nào và có đủ chặt chẽ hay không, thưa ông? 

Về chuyển tiền ra nước ngoài, Việt Nam đã có Luật ngoại hối, quy định rõ việc chuyển tiền ra, chuyển tiền vào, chuyển tiền đi chữa bệnh... hết sức cụ thể. Cùng với đó, cơ quan thuế cũng có những quy định kiểm soát rất đầy đủ để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, vi phạm. Các doanh nghiệp muốn chuyển tiền ra nước ngoài hay có dự án đầu tư ra nước ngoài cũng phải được cơ quan chức năng cho phép.

Luật pháp là thế nhưng thực tế cũng không tránh khỏi khả năng quản lý yếu hoặc chưa triệt để với nhiều lỗ hổng, từ đó các cá nhân, tổ chức có thể “lách” và cố tình làm sai. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các tổ chức quốc tế để xác minh làm rõ và kết luận cho thỏa đáng. 

- Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để phòng ngừa khả năng các cá nhân, doanh nghiệp “lách luật” để thực hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền?

Từ dữ liệu trong “Hồ sơ Panama” các nước trên thế giới cũng đã tiến hành điều tra. Việc điều tra này cũng có cơ sở của nó. Chúng ta cũng cần có các biện pháp phối hợp để xác minh. Qua việc này, cũng phải rà soát lại để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước.