“Mỏ vàng” từ các tổng đài điện thoại lừa đảo ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại sao lừa đảo với sự hỗ trợ của công nghệ lại đang trở nên lớn mạnh ở Ấn Độ? Những kẻ lừa đảo sử dụng cách thức gì khiến nạn nhân sa lưới? Một thành viên kỳ cựu của “ngành công nghiệp lừa đảo” bằng tổng đài điện thoại đã tiết lộ các mánh khóe để lý giải điều đó.
Quảng cáo tuyển người làm tổng đài điện thoại với mức lương hấp dẫn

Quảng cáo tuyển người làm tổng đài điện thoại với mức lương hấp dẫn

“Thủ phủ” của ngành công nghiệp mờ ám

Sau khi làm việc liên tục 5 đêm liền, Leo (tên nhân vật đã được thay đổi) đi nghỉ cuối tuần ở thành phố Chandigarh, dưới chân dãy Himalaya (Ấn Độ). “Tôi muốn thoát khỏi sự thất vọng và mọi thứ khác, đó chính là áp lực kiếm tiền” - anh nói. Công việc hàng ngày của Leo là điển hình của những người tham gia đường dây lừa đảo kiểu tổng đài điện thoại. Anh ta đeo tai nghe suốt 10 tiếng đồng hồ và “cố gắng thao túng ai đó, khiến cho những câu chuyện lừa đảo tưởng chừng nhảm nhí nhưng thực sự xảy ra”. Leo làm tại một tổng đài điện thoại và phải lừa tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Anh, Mỹ. Hầu hết gia đình và bạn bè của Leo đều không biết anh ta thực sự làm gì. Leo cho biết, những người tham gia tổng đài lừa đảo có thể kiếm đủ tiền trong 1 tháng, hoặc thậm chí 1 năm chỉ trong 1 đêm. “Tôi không đùa đâu. Nếu nói về phạm vi cũng như số tiền có thể kiếm được thì bạn khó mà tưởng tượng nổi” - anh kể.

Lừa đảo có hỗ trợ công nghệ là một vấn đề quốc tế, nhưng Ấn Độ đã nổi lên như một “thủ phủ hàng đầu” của ngành công nghiệp mờ ám này. Vào tháng 5-2022, YouTuber nổi tiếng Mark Rober, Jim Browning và Trilogy Media đã phát hành video cảnh báo về trò lừa đảo từ những tổng đài điện thoại. Browning cho rằng, hơn 95% các cuộc gọi lừa đảo trên toàn cầu bắt nguồn từ Ấn Độ. Trích dẫn dữ liệu địa chỉ IP của mình, Jim Browning nói chúng có nguồn gốc cụ thể từ quanh khu vực Kolkata và New Delhi.

Nhà báo Snigdha Poonam - người đã điều tra về những trò gian lận này cho biết, ngành công nghiệp lừa đảo có sự hỗ trợ công nghệ của Ấn Độ phát triển từ sự bùng nổ của các tổng đài điện thoại chính hãng thuê đặt tại nước này vào đầu những năm 2000. Poonam khẳng định, sự bùng nổ này kéo dài khoảng 10 năm, trước khi thị trường bắt đầu dịch chuyển ra khỏi Ấn Độ. Sau đó, người Ấn Độ bắt đầu “đánh cắp cơ sở dữ liệu của khách hàng từ các công ty công nghệ lớn mà họ đã cộng tác. Rồi họ bắt đầu thành lập các trung tâm riêng lẻ”. Giờ đây, ở những khu vực như Gurugram (còn được gọi là Gurgaon) cách Thủ đô New Delhi 30km về phía Nam, không thể phân biệt được bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp là thật và bao nhiêu phần trăm trong số đó là hoạt động lừa đảo. “Có những nơi, cùng một tầng, bộ phận này cung cấp hỗ trợ kỹ thuật chính hãng, nhưng một bộ phận khác lại đang thực hiện những cuộc gọi giả mạo” - Snigdha Poonam cho biết.

Gurugram, gần Thủ đô New Delhi, Ấn Độ là trung tâm của ngành dịch vụ tổng đài điện thoại

Gurugram, gần Thủ đô New Delhi, Ấn Độ là trung tâm của ngành dịch vụ tổng đài điện thoại

“Bẫy dính” phổ biến

Giải thích về mánh lới lừa đảo, Leo lấy ví dụ, khi một khách hàng có máy in trục trặc, họ liền lên mạng tìm kiếm trợ giúp trực tuyến. Người này bắt gặp một quảng cáo trông giống như trang web của nhà sản xuất chính hãng. Vị khách đó sẽ thấy một số điện thoại miễn phí gọi đến và kết nối trò chuyện. Nhưng nạn nhân không biết rằng, anh ta có thể bị những kẻ lừa đảo chiếm đoạt máy tính từ xa và cuối cùng bị mất tiền do bị truy cập trái phép từ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính. Một kịch bản khác, trên màn hình máy tính của nạn nhân xuất hiện cửa sổ nhỏ giống như một thông báo lỗi từ hệ điều hành hoặc phần mềm chống virus của máy tính. Cửa sổ này có thể cảnh báo về sự cố bảo mật và cung cấp cho người dùng số điện thoại lừa đảo để gọi trợ giúp. Gọi vào số điện thoại “đường dây nóng” đó, nạn nhân có thể dính bẫy lừa.

Theo báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), những kẻ lừa đảo cũng có thể mạo danh nhân viên hỗ trợ khách hàng của các tổ chức như ngân hàng, sàn giao dịch tiền ảo. Nhà lập trình máy tính kiêm nhà báo điều tra Samarth Bansal của Ấn Độ lưu ý, dù là lừa tình, lừa đảo việc làm hay lừa đảo thương mại điện tử, thì công nghệ số vẫn là “cơ sở hạ tầng cơ bản” cho phép những kẻ lừa đảo xây dựng lòng tin với nạn nhân trước khi chúng hành động. Rất khó để xác định chính xác số tiền bị mất do hình thức lừa đảo này. Năm 2021, Trung tâm Khiếu nại tội phạm Internet của FBI nhận được báo cáo thiệt hại 347,66 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với năm trước.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người Ấn Độ được tiếp cận với Internet di động tốc độ cao, những kẻ lừa đảo cũng đã chuyển hướng sang thị trường nội địa. Mục tiêu là những người đồng hương có phần dễ dàng hơn so với thị trường nước ngoài vì bọn họ không yêu cầu kiến thức về tiếng Anh hay tổng đài điện thoại mà đôi khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Mangal Rathi - người sở hữu một cơ sở kinh doanh vải đã từng mất khoảng 25.000 Rupee vào tay kẻ lừa đảo khi vô tình gọi đến đường dây nóng chăm sóc khách hàng giả mạo do anh không nhận được thanh toán di động từ khách hàng. Biết là mất tiền, Mangal Rathi đã gọi lại cho kẻ lừa đảo và còn bị thách thức là “cảnh sát không thể làm gì được”. “Thậm chí cảnh sát còn nói rằng tôi hãy quên chuyện lấy lại được tiền của mình đi” - Rathi than thở.

Leo (nhân vật trong bài), từng có 7 năm kinh nghiệm làm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Leo (nhân vật trong bài), từng có 7 năm kinh nghiệm làm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Khó ngăn chặn

Samarth Bansal và Snigdha Poonam đã vạch trần một vụ lừa đảo công nghệ quốc tế có trụ sở tại Gurugram vào năm 2017. Câu chuyện được đăng trên Thời báo Hindustan (một tờ báo lớn ở Ấn Độ) và Bansal kỳ vọng nó sẽ dẫn đến nhiều vụ bắt giữ. “Nhưng không có gì xảy ra. Tất cả những gì tôi nhận được là một biểu tượng cảm xúc “Thích” trên ứng dụng WhatsApp từ một sĩ quan cảnh sát chứ không có gì hơn” - anh nói.

Việc thiếu thực thi về mặt pháp luật khiến nhiều người tức giận và lo ngại, bởi những kẻ lừa đảo không bị ngăn chặn sẽ càng gây hại cho nhiều nạn nhân khác. Điều này cũng ảnh hưởng đến những người Ấn Độ đang muốn tìm việc trong các công ty công nghệ hợp pháp. Thực tế, những người quản lý hỗ trợ khách hàng không mặn mà với việc thuê người Ấn Độ, họ thậm chí thẳng thắn “từ chối làm việc với bất kỳ ai nói giọng Ấn Độ và yêu cầu bỏ phát âm kiểu Ấn Độ bởi nếu không, khách hàng sẽ cho rằng cuộc gọi hỗ trợ là lừa đảo”.

Mặc dù cảnh sát Ấn Độ có truy quét và phần nào làm gián đoạn các hoạt động lừa đảo, nhưng khó chứng minh rằng nghi phạm lừa người nước ngoài. Nhà báo Snigdha Poonam cho biết: “Họ truy vết thông qua bộ định tuyến, máy tính và máy chủ? Cảnh sát có thể phát hiện ra tên nạn nhân được cho là ở nước ngoài và số tiền chính xác tính bằng bảng Anh, euro hoặc USD được thống kê, nhưng đó không phải là bằng chứng hợp pháp”. Những người trong ngành đồng ý rằng, rất khó để các nhà chức trách ngăn chặn tội phạm kiểu này. Trong khi một số kẻ lừa đảo sau một thời gian cảm thấy hối hận và bỏ cuộc, nhưng có những người lại không cho rằng mình phạm pháp. “Nếu tôi thuyết phục được người đó rút tiền ngân hàng và gửi vào tài khoản khác thì tôi… cực kỳ tài năng” - một cô gái từng kiếm được khá nhiều tiền lừa đảo, đủ để tiêu phung phí hơn 85.000 rupee cho sinh nhật lần thứ 20 nói.

Về phần Leo, anh ta “nâng cấp” công việc của mình sau 7 năm làm việc cho đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chuyển sang hỗ trợ những ai muốn lập đường dây mới. “Nếu ai đó có tiền và muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này, tôi sẽ giúp họ từ A đến Z” - anh ta nói. Leo giúp họ tìm địa điểm, đặt máy chủ, thuê nhân viên xử lý các cuộc gọi và hướng dẫn cách thức để đảm bảo tiền của nạn nhân chuyển trở lại cho họ, bao gồm cả tiền điện tử. Nhân vật này đảm bảo rằng khách hàng có thể thu lại khoản đầu tư của mình trong 2 tháng, nhưng trên thực tế, nhanh nhất chỉ khoảng 15 ngày. “Người ta có thể đóng cửa nhiều văn phòng, nhưng ngành kinh doanh này sẽ không bao giờ đóng cửa” - Leo khẳng định.