Mở rộng thị trường nông sản, khó khăn nhưng chắc thắng

ANTĐ - Những ngày đầu tháng 7-2014, dân TP Hồ Chí Minh ngơ ngác khi thấy thanh long bán đầy chợ, thậm chí các xe hàng cò treo biển bán xô dọc các đường quốc lộ với giá không tưởng: 10.000 đồng/3kg, thậm chí nếu chịu khó mặc cả có thể mua với giá 3.000 đồng/kg thậm chí còn thấp hơn. 

Tin báo từ Long An về còn thảm thương hơn. Thanh long bán tại vườn xuống 1.000 đồng/kg mà không có thương lái nào chịu mua. Thanh long nằm ủ ê dưới nắng. Nhiều chủ vườn khóc ròng. Cũng giống dưa hấu, vải thiều và cao cấp hơn như cao su, hạt điều... lý do hạ giá rất giản đơn: thương lái Trung Quốc không nhập.

Có thể thấy rằng, thị trường Trung Quốc là một thị trường xuất nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam, chiếm tới 1/3 sản lượng xuất khẩu nông sản của nước ta. Đặc biệt, ở một số mặt hàng, con số này còn lớn hơn nhiều, ví dụ như mủ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu; hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20%, sắn chiếm 100%, thanh long chiếm 67%. Có những thời kỳ, tại cửa khẩu Tân Thanh vào mùa vải thiều, kim ngạch xuất khẩu vải lên tới hàng nghìn tấn/ngày. Chính vì vậy, những biến động trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Những khó khăn có thật của nông nghiệp Việt Nam 

Có thể coi những vấn đề của vải thiều là tiêu biểu cho những vấn đề của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Theo những thống kê của Bộ Công thương, vải thiều tươi xuất khẩu tới 40% tổng sản lượng, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 36%. Các sản phẩm chế biến cũng là những mặt hàng cạnh tranh như vải sấy khô, nước ép quả, vải đông lạnh, vải đóng hộp (khoảng 15% tổng lượng XK) được xuất sang các thị trường xa và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, EU... Tuy nhiên, do cơ cấu giống vải còn nghèo nàn, bố trí chưa hợp lý, phần lớn diện tích trồng chủ yếu bằng giống vải thiều Thanh Hà, chiếm trên 95% là giống chính vụ, chín tập trung từ tháng 6 - 7 (là các tháng nóng nhất, có nhiệt độ cao nhất trong năm) nên chín nhanh, chín đồng loạt, có thời gian thu hoạch ngắn (20 - 25 ngày) gây trở ngại rất lớn cho việc thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Thêm nữa, quy trình sản xuất vải thiều chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ nên nếu thị trường Trung Quốc biến động, vải thiều chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng thừa. 

Thanh long cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong một cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ thanh long, ông Trần Hữu Danh - Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Tiền Giang) cho rằng, giá thanh long giảm do thị trường Trung Quốc chậm “ăn” hàng từ sự việc kiểm tra tải trọng xe tải vào tháng 4 đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Trong khi thị trường này tiêu thụ tới 70 - 80% tổng sản lượng thanh long xuất khẩu của cả nước: “Mấy ngày nay họ (Trung Quốc - PV) siết chặt việc xuất nhập khẩu tiểu ngạch làm tình hình xuất khẩu thanh long càng thêm khó khăn. 80%, thậm chí 90% sản lượng thanh long của công ty là xuất khẩu qua thị trường này, nên thời gian qua doanh thu của công ty giảm rất nhiều, từ đó cũng ảnh hưởng đến giá cả trong nước.  

Cũng như vải thiều, thanh long thường chín rộ đồng loạt, thời gian thu hoạch ngắn, sản lượng lớn, lại phụ thuộc xuất khẩu sang Trung Quốc nên thương lái Trung Quốc không lấy hàng, thanh long sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, thanh long chưa được sản xuất đại trà đúng quy chuẩn kỹ thuật, chưa được thị trường EU, Mỹ chấp nhận sản lượng lớn. 

Có thể tóm tắt những vấn đề trong sản xuất hàng hóa trong mảng nông nghiệp là mùa vụ quá tập trung, quy trình sản xuất chưa đảm bảo sản phẩm sạch cả về các loại sâu bọ lẫn thuốc trừ sâu bọ, công nghiệp chế biến chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, và cuối cùng là chưa phát triển được thị trường. Có thể lấy ví dụ như thị trường Nhật Bản. Theo ông Koshida Ryu, chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), không chỉ có thanh long, xoài của Việt Nam vào Nhật mà nhiều loại trái cây khác như chôm chôm, vú sữa, nhãn… cũng có thể vào thị trường này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không nhiều người Nhật biết Việt Nam đang có rất nhiều loại trái cây hợp với khẩu vị của họ. Đa số chỉ biết qua con đường du lịch và khi ai đến đồng bằng sông Cửu Long được ăn trái cây tươi đều rất thích. Đặc biệt, những người lớn tuổi rất thích thanh long vì độ ngọt vừa phải, mẫu mã đẹp. Có nghĩa là công tác quảng bá, phát triển thị trường của chúng ta quá kém. 

Thế giới vẫn thừa chỗ cho nông sản Việt Nam

Chủ trương của Việt Nam là làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào, không “bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán sự rủi ro, trong đó bao gồm cả thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy một điều là khi ở bên cạnh một thị trường khổng lồ, một công xưởng khổng lồ của thế giới thì chúng ta vừa bị chi phối mà cũng vừa được hưởng lợi từ thị trường này. Do vậy, cần phải tỉnh táo, tìm ra giải pháp để hạn chế tiêu cực, hạn chế phụ thuộc và tăng cường lợi ích từ thị trường này. Trước mắt, cần mở rộng thị trường nông sản, giải quyết những khó khăn trước mắt cho nông dân Việt Nam. Có thể nói nhu cầu nông sản, đặc biệt là rau hoa quả thế giới đang tăng trưởng mạnh, có thừa chỗ cho nông sản Việt Nam. 

Chỉ lấy thống kê năm 2010 để thấy được độ lớn của thị trường EU, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu hoa quả nhiệt đới của EU khoảng 8,7 triệu tấn về khối lượng, tương đương 17,7 tỷ USD về giá trị, trong đó nhập khẩu từ các nước đang phát triển chiếm 5,8 triệu tấn, tương đương 67%. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu hoa quả nhiệt đới của EU xấp xỉ 19 tỷ USD (theo nguồn ITC). Hơn nữa, nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng cao hơn (+3,8%) so với mức trung bình (+3,6%). Ngoại trừ mặt hàng chuối đang giảm về thị phần (hiện tại đây là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất), hầu hết các loại quả nhiệt đới khác đều đang tăng thị phần. Theo những nhận xét của các chuyên gia, nhu cầu thị trường EU năm 2014 tăng 16% so với năm 2013.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng nhưng rau quả của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Nhật Bản. Trong số các nước đối thủ xuất khẩu rau quả của Việt Nam tại Nhật Bản, Việt Nam chỉ có ưu thế hơn so với Indonesia và Myanmar, còn kém xa so với Thái Lan. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Nhật Bản từ Việt Nam hiện chỉ chiếm từ 0,6 - 0,9% trong khi con số này từ Thái Lan dao động từ 4,8 - 5,3%. Năm 2013 vừa qua, mặc dù các DN gặp bất lợi về giá XK nhưng trong năm mới 2014, một số thị trường truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng này của DN Việt Nam. Các nút thắt như tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.

Ngay từ đầu năm 2014, nhiều DN xuất khẩu (XK) hàng nông - thủy sản cho biết, đã có được nhiều đơn hàng dài hạn đi các thị trường lớn. Hiện Sotico đã có đơn hàng đến tháng 3-2014 với sản lượng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Trung bình mỗi tháng, công ty đang xuất đi vài chục container hàng sang các thị trường chủ lực tại châu Âu. 

Nhưng quan trọng hơn là phải sớm tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Để rau quả của Việt Nam được ra khỏi danh sách cấm nhập khẩu của Nhật và nhiều thị trường khó tính khác, các doanh nghiệp cần chứng tỏ rằng hàng hóa của mình không bị nhiễm các sâu bệnh nguy hiểm qua các biện pháp: Mời cơ quan kiểm dịch có thẩm quyền ở Nhật kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sản phẩm quả không bị nhiễm bệnh - Áp dụng phương thức sản xuất sạch cho vườn cây ăn trái, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm tra chất lượng quả xuất khẩu từ khâu thu hái, sơ chế, bảo quản... Tham vấn ý kiến của các cơ quan vệ sinh dịch tễ và các nhà nhập khẩu về việc thực hiện các biện pháp thỏa mãn yêu cầu của nước nhập khẩu.

Từ nay đến năm 2020 cần chú ý đa dạng hóa và phát triển các loại rau, củ quả mới phù hợp với các thị trường, nhất là các loại rau quả nhiệt đới (chuối, dứa, xoài, bơ…), các loại quả có múi (bưởi, cam, chanh), kể cả các loại hoa, cây cảnh, các loại rau, gia vị như hành, bí đỏ, gừng, cà rốt, hạt tiêu, các loại quả đông lạnh, chế biến sẵn theo công nghệ hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế về vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… Có như vậy mới có thể có sự đột phá về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn, giá cao. Đối với những vấn đề giống, cần tăng cường các nghiên cứu khoa học để có nhiều giống chất lượng cao, không tập trung thu hoạch mà rải vụ trong năm, phù hợp với chế biến và khả năng tiêu thụ của thị trường. Cùng với sự giúp đỡ về mặt chính sách của Chính phủ, hỗ trợ vốn của ngân hàng, con đường ra khỏi sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc dẫu khó khăn nhưng chắc chắn sẽ thành công.