Mở rộng gấp đôi Vùng Thủ đô Hà Nội

ANTD.VN - Ngày 11-8, Bộ Xây dựng đã công bố quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang). 

Năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%

Theo điều chỉnh quy hoạch vừa công bố, trong số 9 tỉnh nói trên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với quy hoạch trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 (tăng gần gấp đôi diện tích so với quy hoạch cũ - 13.436 km2) với quy mô dân số - lao động đến năm 2030 đạt khoảng 21 - 23 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 55 - 60%. Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%.

Đây là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hà Nội có vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia (Trung tâm tài chính Bắc sông Hồng; Trung tâm hội chợ; Trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây hồ Tây...), các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc...); Trung tâm văn hóa - lịch sử lớn (Hoàng thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì...).

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (khu vực nông nghiệp, làng xóm, di tích văn hóa - lịch sử, bảo tồn thiên nhiên...).

Về định hướng mạng lưới không gian xanh, quy hoạch yêu cầu tạo lập các vành đai xanh, hành lang xanh và nêm xanh để bảo vệ các vùng di sản, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống, các khu vực cảnh quan sinh thái, các khu vực nhạy cảm về môi trường, khu vực sản xuất nông nghiệp năng suất cao, dự trữ phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, trong điều chỉnh quy hoạch đã đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, phải từng bước xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước, theo hướng nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.