Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội Sửa đổi:

Mở rộng diện bao phủ, bảo hiểm xã hội toàn dân, tăng số người được hưởng lương hưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Diện bao phủ thấp, khó cân đối quỹ, thiếu sự chia sẻ, điều kiện hưởng lương hưu khắt khe, trong khi hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần quá dễ đang là những tồn tại của chính sách BHXH khiến an sinh cho người lao động sau độ tuổi nghỉ hưu không được đảm bảo.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến chính sách hưu trí

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến chính sách hưu trí

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đề xuất sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến tiền lương đóng BHXH, điều kiện hưởng lương hưu…, trong đó tập trung vào khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Bỏ BHXH trước khi nghỉ hưu

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, điều kiện thời gian để người lao động có thể hưởng chế độ hưu trí là đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Ngoài ra, còn thêm những điều kiện khá chặt chẽ khác nên các chuyên gia về chính sách cho rằng, đó là nguyên nhân không thu hút thêm người tham gia BHXH và khiến nhiều người đang tham gia BHXH cũng muốn rời bỏ hệ thống trước tuổi nghỉ hưu (giai đoạn 2016 - 2020 số người hưởng BHXH một lần tăng trung bình khoảng 9% mỗi năm). Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đề xuất điều chỉnh điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng chỉ giải quyết cho người lao động đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần. Nêu quan điểm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, sửa Luật BHXH để mở rộng diện bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân, tăng số người được hưởng lương hưu là điều cần thiết. Tuy nhiên đây là thách thức lớn, khi chính sách BHXH còn nhiều bất cập, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam quá nhanh. Sửa đổi điều kiện nhận BHXH một lần là vấn đề cần đặt ra nhưng phải có tính toán phù hợp. Theo ông Phạm Minh Huân, điều kiện cụ thể ra sao và tuyên truyền thế nào để người lao động đồng thuận, tránh lặp lại “vết xe đổ” như 6 năm trước hay như bài học của Chính sách 176 “về một cục”.

Giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu

Ngoài việc siết điều kiện hưởng BHXH một lần, tại dự thảo Luật BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Một trong những lý do của việc cần thay đổi Luật BHXH là để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể, Nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Đánh giá về nội dung sửa đổi này, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là hợp lý, thực hiện đúng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Qua khảo sát thực tế hiện nay, nhiều người lao động không có khả năng đóng đủ thời gian 20 năm để được hưởng lương hưu. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH là rất có lợi cho người lao động.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, việc giảm số năm đóng BHXH hưởng lương hưu là xu thế của nhiều quốc gia, song Chính phủ thường có chính sách đi kèm như tạo thu nhập cao, việc làm bền vững, hỗ trợ BHXH tự nguyện... Khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, lương hưu vì vậy có thể thấp. Nhưng dù sao xử lý vấn đề này cũng tốt hơn là để cho người lao động hưởng BHXH một lần. Về lâu dài, cần có phương án khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn.

Vừa phải “giữ chân” vừa phải thu hút

Trong Tờ trình gửi Chính phủ, cơ quan soạn thảo cho biết một trong những lý do của việc cần thay đổi Luật BHXH là để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể, Nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đây là một thách thức không nhỏ.

Theo ông Phạm Minh Huân, hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc mới được 30% thì an sinh xã hội chưa thể nói là vững chắc được. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam trên 2.700USD chưa phải mức cao. Song thu nhập vẫn cần phải chia phần cho chi tiêu hiện tại và để dành khi về già. Muốn người lao động đảm bảo được cuộc sống thì phải nâng thu nhập trung bình lên bằng mở rộng sản xuất, tạo việc làm bền vững; đồng thời cần minh bạch đóng - hưởng BHXH.

Còn theo ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Với số lượng chỉ khoảng 1/3 lao động tham gia BHXH, số còn lại thuộc khu vực phi chính thức, lao động tự do chưa tham gia BHXH có thể xem là một mối lo cho hệ thống an sinh xã hội. Người không tham gia BHXH khi về già sẽ không có lương hưu và sẽ là gánh nặng xã hội. Do đó, bên cạnh việc “giữ chân” để người lao động không nhận BHXH một lần ồ ạt, cơ quan soạn thảo cần tính toán, đưa ra những giải pháp để thu hút, khuyến khích người lao động tham gia.

Ước tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (nữ từ 55 tuổi trở lên và nam từ 60 tuổi trở lên). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng (chiếm 22,1% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Nếu tính cả 1,8 triệu người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì tổng cộng có khoảng 4,9 triệu người được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng (chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Hiện vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.