Mở rộng đào tạo GPLX hạng A2

ANTĐ - Từ 1-3-2014, mở cửa rộng rãi cho tất các đối tượng có nhu cầu học, thi lấy bằng lái xe mô tô hạng A2 (dung tích xi lanh 175cm3 trở lên). Trong khi trước đó, loại GPLX này vốn bị hạn chế nên không ít người có nhu cầu đã phải tìm cách “lách”.

Sát hạch bằng A2 sẽ khó hơn so với bằng A1

Đủ 18 tuổi trở lên được thi bằng A2

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, từ ngày 1-3, thực hiện Thông tư 38/2013/TT-GTVT của Bộ GTVT điều chỉnh các nội dung liên quan tới công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A2, người từ 18 tuổi trở lên, có nhu cầu đều có thể tham dự thi lấy bằng. Đây là thay đổi so với Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT, chỉ cấp giấy phép lái xe A2 cho 7 đối tượng gồm: Công an, Quân đội, Thanh tra Giao thông, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, sát hạch viên, vận động viên môtô.

Theo ông Lương Duyên Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ giữa tháng 2-2014, để chuẩn bị cho việc mở rộng đối tượng được thi và cấp bằng lái xe A2, Tổng cục đã tổ chức hai lớp tập huấn cho các giáo viên, sát hạch viên tại Bắc Ninh và TP.HCM với sự tham dự của đầy đủ 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Bắc Ninh, đã có 291 học viên tham dự, trong đó 171 giáo viên và 120 sát hạch viên, còn tại TP HCM đã đào tạo cho 216 giáo viên và 128 sát hạch viên. “Trung bình, mỗi địa phương có tối thiểu 4 sát hạch viên, như vậy về bước đầu có thể đáp ứng đủ nhu cầu”. 

Cũng theo ông Lương Duyên Thống, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản hướng dẫn, như bước đầu, mỗi địa phương không nên mở quá 2 cơ sở đào tạo, riêng Hà Nội và     TP.HCM không quá 5 cơ sở. “Vì trước kia, việc đào tạo GPLX hạng A2 bị hạn chế, nay mới mở rộng nên chưa biết nhu cầu của người dân đến đâu. Nếu mở ồ ạt mà học viên không có sẽ gây lãng phí. Trước mắt chúng tôi khuyến cáo các địa phương chỉ nên mở như vậy, sau này nếu nhu cầu người dân lớn sẽ mở rộng hơn”, ông Lương Duyên Thống cho hay.

Bắt buộc phải sát hạch tại Trung tâm đủ điều kiện

Đề cập đến lo ngại khi mở rộng đào tạo đại trà GPLX mô tô hạng A2, trong khi, xe phân khối lớn có tốc độ cao, khó khăn cho công tác đảm bảo giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, mặc dù mở rộng đối tượng thi lấy bằng nhưng cũng sẽ có nhiều biện pháp siết chặt hơn. Như bộ câu hỏi dùng để sát hạch cấp bằng lái tăng từ 150 câu trước đây lên 365 câu hỏi. Bộ câu hỏi này sẽ gồm có 145 câu về khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ, 25 câu về văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người lái xe, 95 câu giải các thế sa hình... 

Nếu như trước đây, GPLX hạng A1 và A2 được sát hạch tại sân sát hạch thì từ ngày 1-3, bắt buộc phải sát hạch ở các Trung tâm sát hạch đủ điều kiện, như lắp đủ camera trong phòng chờ và phòng lý thuyết, có màn hình công khai quá trình giám sát và kết quả. Đặc biệt, trước kia, xe mô tô dùng trong sát hạch là xe 175cm3 trở lên thì nay bắt buộc các Trung tâm sát hạch phải có ít nhất 2 xe phân khối lớn, dung tích xi lanh từ 250cm3 trở lên. Lý giải về yêu cầu này, lãnh đạo Vụ Quản lý phương tiện người lái cho rằng, hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng xe  mô tô phân khối rất lớn, có thể lên tới 400-500cm3, vì vậy, xe dùng để sát hạch cũng phải điều chỉnh tối thiểu 250cm3 cho phù hợp với thực tế.

“Khi sát hạch trong hình bắt buộc phải có sát hạch viên GPLX mô tô hạng A2. Vì vậy, nếu như trước đây, cả nước chỉ có 49 sát hạch viên mô tô hạng A2 thì nay cả nước đã có 248 sát hạch viên A2, tối thiểu mỗi địa phương có 4 sát hạch viên”, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đang thử nghiệm thực hành lái xe trong hình đối với GPLX hạng A2, sau khi kết thúc thử nghiệm sẽ mở rộng đại trà trên tất cả các trung tâm sát hạch cả nước. Động thái này nhằm siết chặt kỹ năng đối với các đối tượng thi bằng lái xe A2.