Nghị định mới về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật:

Mở ra cơ hội tôn vinh tác giả đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật

ANTD.VN - Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (VHNT) là các tác giả không nhất thiết phải đoạt Huy chương Vàng (HCV) mới đủ điều kiện xét tặng. 

Mở ra cơ hội tôn vinh tác giả đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật ảnh 1Việc sửa đổi quy định về huy chương, giải thưởng trong điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước thực sự cần thiết để tôn vinh các tác giả có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà

Nghị định mới thay đổi về điều kiện xét tặng giải thưởng

Nghị định số 133/2018/NĐCP vừa được Chính phủ ban hành nhằm giúp quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT trở nên công bằng, khách quan và chính xác. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất của nghị định này là việc thay đổi về điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Thay vì quy định cứng nhắc về số lượng HCV, giải Nhất, giải A tại các cuộc thi, các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, các triển lãm cấp quốc gia, Nghị định 133 đã linh hoạt hơn bằng việc chia giai đoạn sáng tác đối với các công trình VHNT tham dự xét tặng giải thưởng.

Với các tác phẩm sáng tác trước năm 1993, điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là: “Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật”.

Với các tác phẩm sáng tác sau năm 1993, điều kiện xét tặng Giải thưởng Nhà nước là: “Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Có giá trị xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật”. 

Mở ra cơ hội cho các tác giả vinh dự nhận giải thưởng cao quý 

Như vậy, nghị định mới ra đời được cho là mở ra cơ hội cho các tác giả có nhiều đóng góp với nền VHNT nước nhà nhưng không có HCV tại các cuộc thi chuyên nghiệp do tuổi cao, điều kiện hoàn cảnh… được chạm tay tới Giải thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng. Những năm vừa qua, các tác giả tên tuổi như Thuận Yến, Xuân Quỳnh, Thu Bồn, Tạ Quang Bạo… từng bị đánh trượt đã làm dấy lên trong dư luận những ý kiến không đồng tình. Vì thế, việc sửa đổi quy định về huy chương, giải thưởng trong điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước thực sự là điều cần thiết đặt trong bối cảnh lực lượng sáng tác của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, với các sáng tác sau năm 1993, điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lại cần đảm bảo số Huy chương Vàng theo đúng quy định. Đó là: “Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, các tác phẩm này cần được tặng giải Vàng, giải A, giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức hoặc Giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Với các sáng tác sau năm 1993, điều kiện xét tặng Giải thưởng Nhà nước cần đảm bảo số lượng huy chương theo quy định. Đó là: “Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, các tác phẩm này đã được tặng giải Nhất, Nhì, Ba tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL tổ chức hoặc được tặng giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc giải Vàng, Bạc, Đồng) của Hội Văn học, Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. 

Điểm đáng chú ý thứ hai của Nghị định sửa đổi, bổ sung về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là hồ sơ vượt qua các cấp hội đồng từ Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đến Hội đồng Nhà nước cần đạt ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu. Nếu so sánh với nghị định đã ra đời trước đó, rõ ràng, nghị định mới đã giảm số phiếu tán đồng của các thành viên hội đồng từ 90%  xuống còn 80% và mở ra nhiều cơ hội hơn cho đội ngũ các tác giả được tôn vinh và sở hữu giải thưởng cao quý. Nghị định số 133/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2018. 

Những năm vừa qua, các tác giả tên tuổi như Thuận yến, Xuân Quỳnh, Thu Bồn, Tạ Quang Bạo… từng bị đánh trượt đã làm dấy lên trong dư luận những ý kiến không đồng tình. Vì thế, việc sửa đổi quy định về huy chương, giải thưởng trong điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước thực sự là điều cần thiết đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.